Cuộc sống công sở thoạt nhìn qua có vẻ êm đềm, lắng đọng, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu; ấy vậy mà chất chứa đằng sau nó là vô vàn những câu chuyện “hậu trường” rất đỗi “drama”.
Bất đồng quan điểm, mâu thuẫn về mặt lợi ích hoặc đơn giản chỉ bởi năng lực của bản thân không bằng đồng nghiệp có thể trở thành nguồn cơn cho những xung đột, ganh ghét, đấu tố lẫn nhau.
Đó là khi đề cập đến những nhân tố ngoại cảnh, còn khi đề cập đến nội tại mỗi cá nhân, có những nét tính cách của người làm công sở rất dễ khiến đồng nghiệp phật ý, gây nên những mâu thuẫn sâu dày, có thể kể đến như: thiếu sự tôn trọng người khác, láu táu ăn nói bỗ bã, ba phải hai mặt…
Và một trong những nét tính cách vô cùng tiêu cực của người làm văn phòng khiến chúng ta dù có cố gắng mấy cũng mãi chẳng thể ngóc đầu lên được đó chính là không thể kiềm chế cũng như kiểm soát cơn giận dữ của bản thân.
Để biết sự giận dữ có tác động như thế nào, phá hủy đại sự và ảnh hưởng đến bản thân mỗi người ra sao, chúng ta có thể đọc câu chuyện ngắn về cái chết của Trương Phi - một trong những danh tướng thời Tam quốc bên dưới đây:
“Sau khi nghe tin nhị ca Quan Vũ bị Đông Ngô hại chết, Trương Phi không kiềm chế nổi nỗi đau đớn, hận không thể lập tức xuất binh đi diệt Đông Ngô.
Lưu Bị vẫn giữ vẻ trầm tĩnh, từ chối yêu cầu của Trương Phi. Không biết phải làm sao, Trương Phi liền cả ngày rượu say, khi say thì không làm chủ được chính mình, lúc nào cũng đánh đập quân lính để trút giận.
Cuối cùng, thuộc hạ Phạm Cương, Trương Đạt thật sự không thể nhịn được nữa, vì vậy thừa lúc Trương Phi say rượu ngủ say đã ám sát, chặt đầu Trương Phi rồi chạy sang Đông Ngô.
Không ai có thể phủ nhận, Trương Phi là một mãnh tướng đại tài.
Nhưng người có năng lực lớn như vậy, cuối cùng lại nhận kết cục là một cái chết đầy uất ức, không thể không khiến người ta cảm thán rằng: Một người mà không biết kiềm chế bản thân mình, thì năng lực đại tài đến đâu cũng không thể làm nên chuyện lớn”.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, người mặc dù có tài và nắm giữ vai trò chủ chốt, thống lĩnh vạn người như Trương Phi mà không kiềm chế được cơn nóng giận của bản thân thì kết cục cũng không hề tốt đẹp.
Trong xã hội hiện tại, khi mà tri thức và giáo dục đang làm chủ cuộc sống, con người đa phần chọn cách đối thoại để có thể giải quyết vấn đề thay vì đòn roi và vũ lực thì những cá nhân không biết kiềm chế bản thân mình, tùy tiện nổi nóng với người khác, để cảm xúc cảm tính khống chế lý tính tư duy sẽ rất khó thành công trong xã hội.
Tương tự trong công việc mà đơn cử là cuộc sống văn phòng, nơi mỗi giây mỗi phút đều có thể có những biến cố xuất hiện thì sự căng thẳng, áp lực sẽ luôn thường trực.
Đứng trước tình huống này, rõ ràng những con người giữ được sự bình tĩnh để phân tích và đánh giá tình huống rồi đưa ra đường hướng xử lý cụ thể sẽ nắm được thế thượng phong.
Chuyện gì cuối cùng rồi cũng sẽ ổn, cho nên thay vì nóng giận, cuống cuồng, than thân trách người, sao không chọn cách tĩnh tại để sáng suốt xử lý.
Một người thật sự ưu tú sẽ biết làm chủ bản thân, gạt bỏ những xúc cảm tiêu cực sang một bên để tâm can an tĩnh. Và đó cũng là tố chất mà một người làm lãnh đạo cần rèn luyện và giữ vững.