Trước nguy cơ xung đột Israel-Iran: Mỹ lo "tháo chạy", Trung Quốc bắt tay Tehran

Thi Anh |

Trung Quốc cũng không "nề hà" trước khả năng Iran bị Mỹ áp cấm vận trở lại sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Tuyến tàu hỏa Bayannur - Tehran

Bắc Kinh đã chính thức mở tuyến tàu hỏa mới tới Iran trong khi Mỹ hối thúc các công ty của mình hạn chế hoạt động với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường thái độ đối đầu với Tehran, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và kêu gọi áp chế độ cấm vận mới thì Trung Quốc có vẻ sẵn sàng chớp lấy cơ hội này để thúc đẩy thương mại bằng cách mở một tuyến tàu hỏa quốc tế mới nối Tehran với Bayannur, một thành phố thuộc khu Nội Mông.

Tuyến đường chính xác của chặng xe lửa này vẫn chưa được tiết lộ nhưng hiện nay đang có một vài dự án chính, một số còn bao gồm cả đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ.

Tuy nhiên, cân nhắc tới vị trí gần biên giới phía Bắc Trung Quốc của Bayannur và tuyến tàu hỏa quốc tế tới Kazakhstan, nhiều khả năng tuyến thương mới sẽ đi qua lãnh thổ của các nước Liên Xô cũ Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan.

Theo WaPo, Trung Quốc đã điều chuyến tàu khánh thành từ Bayannur, chở theo 1.150 tấn hạt hướng dương bởi Bayannur là khu vực sản xuất hạt hướng dương lớn nhất của Trung Quốc. Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 180.000 tấn hạt hướng dương, cung cấp cho các thị trường Âu, Mỹ và Trung Đông.

Trước nguy cơ xung đột Israel-Iran: Mỹ lo tháo chạy, Trung Quốc bắt tay Tehran - Ảnh 1.

Bayannur là khu vực sản xuất hạt hướng dương lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: China Daily

So với vận tải đường biển, tuyến tàu hỏa này sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển khoảng 20 ngày và hạt hướng dương Trung Quốc giờ đây có thể tới Tehran trong 2 tuần - nhanh gấp đôi trước kia.

Thông tin này được đưa ra đúng vào thời điểm xung đột quân sự Israel - Iran đang có nguy cơ bùng phát toàn diện. Trong bối cảnh này, lời kêu gọi các công ty ngừng làm ăn với Iran từ phía Washington có thể được coi là động thái cẩn trọng trước khả năng chiến tranh nổ ra.

Nếu là như vậy thì có lẽ Trung Quốc đang đứng về phía Iran với các dự án thương mại của mình, Sputnik nhận định.

Trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định: Iran và Trung Quốc sẽ duy trì mối quan hệ thương mại và kinh tế bình thường.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác một cách bình thường và minh bạch với Iran trên cơ sở không vi phạm các nguyên tắc quốc tế", ông Cảnh Sảng nói.

WaPo dẫn nguồn số liệu của Cơ quan Thuế Iran cho biết, Iran bán hàng hóa cho Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước nào khác và năm ngoái lượng xuất khẩu đã tăng 25%. Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Iran cũng tăng hơn 21%.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Nhận định về mối quan hệ Trung Quốc - Iran, các học giả cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc vẫn sẽ duy trì hợp tác với Iran dù Mỹ có khôi phục cấm vận. Thậm chí, Bắc Kinh còn có thể đóng vai trò trung gian bằng cách tạo một nền tảng đàm phán chung trong tương lai sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Theo nhà nghiên cứu Irina Fyodorova của Học viện Khoa học Nga, Bắc Kinh có kinh nghiệm sử dụng các giải pháp tình thế trong khi tăng cường hợp tác với các quốc gia bị Mỹ cấm vận.

"Các công ty của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi cấm vận Mỹ không? Tất nhiên là có. Nhưng những cấm vận ấy chỉ có nghĩa là các công ty này sẽ không thể làm ăn với Mỹ", Fyodorova nói.

"Vậy thì Trung Quốc, với kinh nghiệm của mình, sẽ tạo ra các công ty chỉ hoạt động ở Iran và hợp tác với mình Iran. kết quả là cấm vận Mỹ sẽ không tác động được nhiều tới hoạt động của các công ty Trung Quốc. Trung Quốc, như thường lệ, có thể sử dụng cơ may này để thúc đẩy hợp tác với Iran".

Bà Fyodorova nói thêm, điều này có nghĩa là Iran có thể sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc về hợp tác công nghệ và đầu tư, nhưng Iran cũng không có nhiều lựa chọn trong tình huống này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại