HMS Vengeance là một trong 4 tàu ngầm hạt nhân uy lực nhất của hải quân Anh hiện nay.
170 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm hạt nhân HMS Vengeance đã bị thay thế, chỉ vài ngày trước khi ra khơi làm nhiệm vụ tuần tra răn đe hạt nhân, theo The Sun.
Toàn bộ nhóm sĩ quan và thủy thủ bị cách ly, được đem thức ăn và nước uống đến tận phòng và sẽ phải trải qua quy trình xét nghiệm thường xuyên.
Giới chức hải quân Anh phải áp dụng biện pháp mạnh để tránh bùng phát dịch Covid-19 trên tàu ngầm hạt nhân, thường hoạt động suốt nhiều tháng ngoài khơi.
Do thời điểm tàu HMS Vengeance ra khơi đến gần và để đảm bảo hải quân Anh luôn có ít nhất một tàu ngầm đóng vai trò răn đe hạt nhân ở ngoài khơi, giới chức hải quân Anh đã quyết định thay thế toàn bộ thủy thủ đoàn.
Nhóm thủy thủ đến tiếp quản tàu ngầm HMS Vengeance nhiều khả năng là từ một trong 3 tàu ngầm hạt nhân khác cùng lớp Vanguard.
Nguồn tin của hải quân Anh cho biết, một thanh tra đến kiểm tra tàu HMS Vengeance, khi con tàu neo tại căn cứ hải quân Faslane ở Scotland hồi tuần trước, có thể là nguồn lây nhiễm.
Ít nhất 10 thủy thủ trên tàu bộc lộ triệu chứng, sau khi tiếp xúc gần với sỹ quan bị lây nhiễm đầu tiên và bị đưa đi cách ly ngay lập tức. Giới chức hải quân Anh sau đó ra lệnh cách ly toàn bộ thủy thủ đoàn.
Nguồn tin cho biết: “Sẽ là thảm họa nếu Covid-19 bùng phát khi con tàu đang làm nhiệm vụ tuần tra”.
Toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Anh ngày nay đều ở trong 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard. Mỗi tàu được thiết kế để mang theo 16 tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident.
Tên lửa Trident trang bị trên tàu HMS Vengeance có tầm bắn 12.000km, đạt tốc độ tối đa 21.000 km/giờ. Mỗi khi tàu ngầm phóng tên lửa phục vụ mục đích diễn tập, các hãng hàng không đều được thông báo để tránh bay vào vùng nguy hiểm.
Theo học thuyết quân sự Anh, ít nhất phải có một tàu ngầm hạt nhân tuần tra ngoài khơi để có thể giáng đòn hạt nhân đáp trả nếu Anh bị đối phương tấn công hạt nhân bất ngờ.
HMS Vengeance là tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard cuối cùng. Tàu được biên chế trong hải quân Anh từ năm 2001.