Trung Quốc xôn xao vì tin Kazakhstan, bộ tộc sắp tuyệt chủng ở Nga "khao khát trở về với TQ"

Hải Võ |

Bộ ngoại giao Kazakhstan hôm thứ Ba tuần trước, 14/4, đã triệu Đại sứ Trương Tiêu để phản đối thông tin thất thiệt lan truyền ở Trung Quốc có liên quan đến nước này.

Kazakhstan triệu Đại sứ Trung Quốc về bài viết thất thiệt

Thông cáo của Bộ ngoại giao Kazakhstan nói, bài viết có tiêu đề "Tại sao Kazakhstan khao khát trở về với Trung Quốc?" được chia sẻ trên trang của hãng tin Sohu, Trung Quốc, "đã đi ngược lại tinh thần quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vĩnh viễn" mà hai nước đã tuyên bố.

Trong thông cáo phản hồi Reuters, Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố bài viết trên không phản ánh lập trường và quan điểm của chính phủ Trung Quốc, cũng như quan hệ hai nước sẽ không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào.

Đại sứ Trương Tiêu khẳng định bài viết kể trên là một văn bản không rõ tác giả, bối cảnh, và nhà chức trách địa phương sẽ điều tra để làm rõ mục đích đằng sau.

"Sự việc lần này chỉ là một khúc mắc nhỏ, không thể và sẽ không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với quan hệ Trung Quốc-Kazakhstan," ông Trương nói.

Reuters cho hay, bài viết gây xôn xao kể trên đề cập sơ lược lịch sử Kazakhstan, trong đó nói rằng thủ lĩnh nhiều bộ tộc người Kazakh trong quá khứ từng cam kết liên minh với hoàng đế Trung Hoa. Bài viết cho rằng Kazakhstan từng có lịch sử là "một phần lãnh thổ Trung Quốc" và "không có quá nhiều phàn nàn" khi nhiều lần bị Trung Quốc xâm chiếm.

Chùm bài "khao khát trở về Trung Quốc" gây xôn xao

Trung Quốc xôn xao vì tin Kazakhstan, bộ tộc sắp tuyệt chủng ở Nga khao khát trở về với TQ - Ảnh 1.

Loạt bài viết với từ khóa "khao khát trở về với Trung Quốc" chia sẻ trên nền tảng Wechat của Trung Quốc

Tìm hiểu sâu hơn về vụ việc, báo The Paper của Trung Quốc ngày 15/4 phát hiện trên ứng dụng Wechat của tập đoàn Tencent hàng loạt bài viết tương tự, với cụm từ khóa chính là "khao khát trở về với Trung Quốc".

Trong loạt bài không rõ lai lịch này, ngoài Kazahstan còn có Kyrgyzstan, Tajikistan, "bộ tộc sắp tuyệt chủng" ở biên giới Nga, bang Manipur của Ấn Độ, hậu duệ người Hoa ở châu Phi,... cùng nhiều quốc gia, vùng miền, sắc tộc khác bị các tác giả gắn nhãn "khao khát trở về với Trung Quốc".

Theo The Paper, khoảng gần 30 bài viết dạng này được đăng tải trên tài khoản Wechat cộng đồng của một công ty có đăng ký tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Tài khoản này được ghi nhận đăng ký vào ngày 7/1/2019 và dừng hoạt động ngày 29/7/2019, nhưng vẫn có các bài viết đăng tải vào tháng 2 và tháng 3 năm nay.

Bài đăng ngày 5/2 của tài khoản này tuyên bố bang Manipur của Ấn Độ "có nguồn gốc từ thời Tây Hán" của Trung Quốc và "lúc nào cũng khao khát trở về". 

Trong khi đó, "một bộ tộc sắp tuyệt chủng ở biên giới Nga" được tác giả khẳng định là "từng thuộc Trung Quốc dưới triều nhà Thanh".

Đại diện Wechat ngày 16/4 xác nhận nhóm bài viết "khao khát trở về Trung Quốc" vi phạm tiêu chí khi phóng đại và dẫn dắt sai lệch thông tin, đã có 227 bài viết bị xóa bỏ và 153 tài khoản cộng đồng liên quan trên Wechat bị khóa.

Các bài viết như trên xuất phát từ những người làm nội dung tự do vốn rất phổ biến tại Trung Quốc hiện nay. Tình trạng biến tướng trong sáng tạo nội dung xảy ra khi các tác giả mải mê theo đuổi lợi ích từ lượng truy cập và người theo dõi.

The Paper chỉ trích loạt bài cố ý mô tả một cách "hạ thấp" các quốc gia/dân tộc khác nhằm lôi kéo độc giả trong nước theo dõi, nhưng đã trở thành thách thức quan hệ giữa các nước. Tờ này kêu gọi nhà chức trách xử phạt nghiêm khắc những người "chế tạo" nội dung thất thiệt như vậy.

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo dẫn lời ngày 17/4 phê phán, "các thương nhân 'bào chế' bài viết dạng này không phải là những người yêu nước thật sự, không vì cái tốt cho đất nước. Mục đích của họ rất đơn thuần là thông qua tiêu thụ tinh thần của người dân để chuyển hóa thành lượng theo dõi".

Báo đảng Trung Quốc đánh giá những bài viết thỏa mãn thị hiếu như trên mang tính chất nguy hại kép, "bên cạnh làm xáo trộn nhận thức và phán đoán của người dân trong một số vấn đề, gây ra cách hiểu sai, thì còn bất lợi với hình ảnh quốc gia, châm ngòi cho bất đồng".

Nhân dân Nhật báo kêu gọi các hãng vận hành nền tảng mạng xã hội Trung Quốc tăng cường quản lý, kiểm soát không gian lan truyền và sinh tồn của các thông tin thất thiệt, trong khi nhà chức trách cần truy cứu triệt để trách nhiệm pháp lý của những người liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại