Trong một số năm qua, hải quân Nga và Trung Quốc thường xuyên tập trận chung và chuyên gia nói các cuộc tập trận này đã giúp hải quân Trung Quốc trở thành một lực lượng tương đối hiện đại trong khi Nga đang theo dõi một cách thận trọng.
Đánh giá 10 cuộc tập trận chung giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Nga từ năm 2012, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cao nhất, Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh nói chúng nhằm mục tiêu gửi đi một thông điệp địa chính trị.
Theo báo cáo của viện này, các cuộc tập trận được tiến hành trong vùng biển Trung Quốc, biển Hoa Đông, biển Baltic. Họ kết luận rằng “Bắc Kinh đã vượt qua Moscow trong việc khẳng định vai trò một cường quốc hải quân”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga trở nên gắn kết trong cân bằng chiến lược khi quan hệ với Mỹ ngày càng xấu đi và xu hướng này diễn ra cả trong hợp tác quân sự. Tháng trước, hải quân Trung Quốc và Nga lần đầu tổ chức tập trận phòng không bắn đạn thật trên biển.
“Đúng là Trung Quốc đã vượt qua Nga, đặc biệt khi tính đến việc Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều để phát triển sức mạnh hàng hải một cách toàn diện, điều này vượt qua nội hàm khả năng của trang thiết bị đang có để đạt đến tầm rộng hơn là một nền kinh tế biển rộng lớn, các hải cảng và hoạt động vận tải, đóng tàu…”, ông Collin Koh, chuyên gia quân sự của trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nói với SCMP.
Ông Koh cũng nói Nga đã đóng vai trò chủ chốt giúp Trung Quốc phát triển năng lực hải quân, “khi các cuộc tập trận chung là hoạt động tốt nhất giúp hải quân Trung Quốc xây dựng năng lực hoạt động ở biển xa”.
Trong giai đoạn 2015-2018, tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 55%, từ 167,9 tỷ USD lên 260,8 tỷ USD, theo một báo cáo hồi năm ngoái của Ủy ban Kinh tế và an ninh Trung-Mỹ thuộc quốc hội Mỹ. Báo cáo nói trong thời gian này, “phần bánh” của hải quân được chia tới 82%, từ 31,4 tỷ lên 57,1 tỷ USD.
Việc đầu tư mạnh cho hải quân đã mang lại kết quả là Trung Quốc chế tạo được một số loại vũ khí tiên tiến hàng đầu thế giới và trong một số trường hợp, vượt qua đồ của Mỹ, một báo cáo của tình báo quân đội Mỹ (DIA) công bố hồi đầu năm nhận định.
Thêm vào đó, hải quân Trung Quốc nay có nhiều tàu chiến hơn Mỹ (cho dù tỷ lệ số tàu chiến lớn và hiện đại chưa so được với Mỹ), theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở tại Washington (SIS).
“Với 300 tàu chiến, hải quân Trung Quốc là hạm đội lớn nhất thế giới, có tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, khinh hạm, tàu hộ tống, tàu ngầm và tàu đổ bộ”, CSIS nói.
Nhà phân tích quân sự Timothy Heath, của hãng tư vấn Rand Corporation (Mỹ) nói Nga đã phải chấp nhận thực tế là Trung Quốc đã vượt qua họ về sức mạnh hải quân.
“Nga “chiều theo” Trung Quốc về một số vấn đề, ví dụ sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á cũng như sự lãnh đạo của Trung Quốc trong một số tổ chức quốc tế, ví dụ Tổ chức hợp tác Thượng Hải”, ông Heath nói.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc hưởng lợi từ các cuộc tập trận chung với Nga, qua đây học cách vượt qua những yếu kém như huy động lực lượng từ nhiều vùng và điều phối tàu chiến, theo Châu Trần Minh, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh.
“Moscow sẽ nhìn nhận tham vọng hàng hải của Trung Quốc với thái độ thận trọng, nhưng Nga vẫn muốn giữ Trung Quốc như một đối tác nhằm chống lại phương Tây, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2013”, ông Collin Koh nói.
Nhưng ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc vẫn có thể học từ Nga các kỹ thuật tác chiến tàu ngầm, lĩnh vực duy nhất Nga vượt trên Trung Quốc.