Tuy nhiên, ông P. Vongsuvan không công bố thời điểm dự kiến ký hợp đồng chính thức và chỉ tiết lộ thông tin về việc ngân sách dành cho việc mua sắm các tàu ngầm mới đã được phê duyệt.
Hiện tại, Hải quân Thái Lan không sở hữu bất kỳ tàu ngầm nào. Đầu năm 2015, Hải quân quốc gia Đông Nam Á này đã công bố kế hoạch xem xét và đánh giá khả năng mua sắm tàu ngầm mới. Giới chức quân đội Thái Lan đã đánh giá các dòng tàu ngầm do Trung Quốc, Nga, Đức, Thụy Điển và Hàn Quốc chế tạo.
Tàu ngầm tấn công S-26T. Ảnh: DefemseTalk
Đến tháng 6-2015, Ủy ban đánh giá của quân đội Thái Lan đã quyết định chọn dòng tàu ngầm S26T do Tập đoàn CSIC của Trung Quốc giới thiệu.
Tàu ngầm S26T được coi là phiên bản sửa đổi cho nhu cầu xuất khẩu của dòng tàu ngầm lớp Yuan (Type 041) có trong biên chế Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình này sau đó bị trì hoãn do không nhận được sự ủng hộ của các phe phái chính trị trong nước.
Quá trình này được nối lại vào đầu năm 2016, khi xuất hiện thông tin Chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch chi 383 triệu USD.
Theo đó, việc mua sắm tàu ngầm mới được phân bổ theo ngân sách quốc phòng của Thái Lan năm tài khóa 2017. Tổng dự toán của hợp đồng ước khoảng 376 triệu USD, bao gồm cả các điều khoản chuyển giao công nghệ, bảo trì và đào tạo kíp thủy thủ. Điểm đặc biệt của hợp đồng này là thời gian thanh toán kéo dài tới 11 năm.
Khi được các phóng viên hỏi vì sao Thái Lan lại quyết định mua tàu ngầm bất chấp các ý kiến cho rằng vùng biển nước này nông, không thích hợp cho tàu ngầm, ông P. Vongsuvan cho rằng, Thái Lan giàu tài nguyên biển và hải quân cần có tàu ngầm để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ những tài nguyên này.
Dự kiến, Thái Lan có thể nhận tàu ngầm S26T đầu tiên trong giai đoạn 2021 - 2022 và hoàn thành hợp đồng vào năm 2027. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Thái Lan muốn nhận chiếc S26T đầu tiên vào năm 2020 và đang thúc đẩy việc thông qua kế hoạch mua tàu ngầm mới sớm nhất có thể.