Biển Đông thành nơi quy tụ tàu ngầm và phương tiện săn ngầm
Vừa qua, Trung Quốc liên tiếp tuyên bố sẽ lập trạm nghiên cứu khoa học dưới độ sâu 3000m dưới đáy biển và rải phao cảnh báo sớm sóng thần trên Biển Đông nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và cảnh báo sớm sóng thần cho các nước trong khu vực.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố các công trình trên chỉ mang mục đích nhân đạo, nhưng hành động này đã gây lo ngại cho các nước Đông Nam Á bên bờ biển Đông và cả cộng đồng quốc tế lo ngại, bởi những mục đích xấu đằng sau cái vỏ bọc tốt đẹp của Bắc Kinh.
Hiện Trung Quốc đang sở hữu tới gần 70 tàu ngầm các loại, trong đó có gần 10 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược (mang tên lửa đạn đạo) và tàu ngầm hạt nhân tấn công (mang tên lửa hành trình), khoảng 1/3 số tàu ngầm thông thường được coi là tương đối hiện đại.
Sức ép quá lớn từ lực lượng tàu mặt nước cỡ lớn và đông đảo cùng với biên đội tàu ngầm hùng hậu của hải quân Trung Quốc khiến các nước trên biển Đông và biển Hoa Đông phải đẩy nhanh tốc độ mua sắm trang bị hoặc nâng cấp hạm đội tàu ngầm của mình.
Hiện nay, Nhật Bản sở hữu hạm đội tàu ngầm thông thường rất mạnh, bao gồm các tàu thuộc lớp Oyashio thế hệ cũ và các tàu ngầm AIP thế hệ mới lớp Soryu. Hiện Nhật đang triển khai kế hoạch đóng 14-16 tàu ngầm Soryu nhằm nâng cao khả năng tác chiến ngầm trên Biển Hoa Đông.
Hơn nữa, Nhật Bản lại sở hữu lực lượng tác chiến chống ngầm rất mạnh, bao gồm hàng trăm chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion của Mỹ và P-1 Kawasaki của Nhật, các trực thăng chống ngầm, tàu hộ vệ chống ngầm và đặc biệt là các tàu đo đạc âm hưởng kiểu Mỹ.
Những quốc gia Đông Nam Á trên biển Đông tuy nghèo nhưng cũng phải gồng mình mua sắm tàu ngầm, biến Biển Đông trở thành trường đấu của những tàu ngầm khá hiện đại như tàu ngầm Kilo của Nga, Scorpene của Pháp, Acher của Thụy Điển, Chang Bogo của Hàn Quốc…
Ngoài khu vực Biển Hoa Đông, dáng dấp của những chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm hiện đại như P-3C4 Orion, SC-130J Sea Hercules hay P-8 Poseidon đã xuất hiện trên Biển Đông.
Sự xuất hiện của nhiều tàu ngầm và các phương tiện tác chiến chống ngầm hiện đại trên Biển Hoa Đông, và đặc biệt là Biển Đông đã khiến Bắc Kinh lo lắng và buộc phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng lực lượng tác chiến chống ngầm mạnh, cả trên mặt nước và dưới đáy biển.
Theo các nhà phân tích của tạp chí quốc phòng IHS Jane's, Trung Quốc đang triển khai kế hoạch xây dựng một mạng lưới các thiết bị cảm biến dưới đáy Biển Đông, mang tên "Dự án Vạn Lý Trường Thành dưới đáy biển" để phát hiện tàu ngầm Nga và Mỹ.
Do đó, rất có thể dự án xây trạm nghiên cứu dưới đáy Biển Đông có thể cũng sẽ được sử dụng cho mục đích này, nhằm tăng cường khả năng trinh sát, phát hiện tàu ngầm của các nước hoạt động trong vùng biển huyết mạch của khu vực và thế giới này.
"Kế hoạch 861" trong "Chiến lược hải dương quốc gia"
Năm 1996, Trung Quốc bắt tay thực hiện một kế hoạch tuyệt mật mang tên mang mật danh "Kế hoạch 861", nằm trong "Chiến lược hải dương quốc gia", nhằm phát triển các công nghệ giám sát trên biển, mà trọng tâm của nó là trinh sát, phát hiện và giám sát tàu ngầm.
Sau 10 năm nghiên cứu, bản kế hoạch còn được gọi là "Vạn Lý Trường Thành dưới đáy biển" đã đạt được những thành tựu to lớn về khả năng giám sát âm thanh bằng sonar dưới đáy biển.
Năm 2005, Trung Quốc hoàn tất quá trình xây dựng và thực nghiệm "Hệ thống tìm kiếm và đo đạc tổng hợp cáp quang dưới đáy biển", đồng thời đã thiết kế thành công mô hình giám sát 3 vùng biển với 3 trạm gốc đặt ở Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Tuy nhiên, do vùng biển Hoàng Hải ở ngoài khơi Thanh Đảo có mực nước nông, cấu tạo địa mạo đáy biển tương đối bằng phẳng nên không thể kiểm nghiệm tối đa hiệu quả của hệ thống này, cần phải triển khai thực nghiệm ở những vùng biển khác.
Sau quá trình thăm dò kỹ lưỡng, các chuyên gia Trung Quốc đã xác định được khu vực ngoài khơi thị trấn Lê An thuộc huyện Lăng Thủy, tỉnh Hải Nam là địa điểm phù hợp nhất, lại nằm gần Đại Lục nhất, bảo đảm được yếu tố an toàn và bảo mật cho quá trình thử nghiệm.
Đây là vùng biển có độ sâu đạt yêu cầu, độ dốc lớn, cấu tạo đáy biển phức tạp, điều kiện thủy văn phong phú, là một trường thử nghiệm âm thanh và điều kiện hải dương rất tốt.
Trung Quốc đã thành lập "Trạm thực nghiệm âm thanh và quan trắc hải dương tổng hợp Nam Hải" và "Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ"
Tháng 4/2009, Viện nghiên cứu âm thanh thuộc Viện khoa học Trung Quốc chính thức thành lập "Trạm thực nghiệm âm thanh và quan trắc hải dương tổng hợp Nam Hải" (Nam Hải là tên Trung Quốc chỉ khu vực Biển Đông).
Không lâu sau, các kỹ sư công trình và kỹ thuật viên của Trung Quốc bắt đầu triển khai "Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ", thuộc kế hoạch trọng điểm 863. Đến ngày 1/4/2010, việc triển khai hệ thống chính thức hoàn tất.
Sau khi xây dựng xong, Trung Quốc chính thức thành lập một mạng lưới trinh sát, giám sát trên không, trên biển và trên đất liền, lấy hệ thống này làm nòng cốt, cùng với các vệ tinh trinh sát, đo đạc và trạm tiếp nhận thông tin vệ tinh trên mặt đất, bao trùm toàn bộ cả các vùng biển sâu.
Trái tim của mạng lưới này là "Hệ thống phát hiện, đo đạc âm thanh dưới nước mạng lưới cáp quang ven bờ", hay còn gọi là "Hệ thống kiểm tra, phân tích, đánh giá âm thanh dưới nước", bao gồm hàng nghìn, hàng vạn sonar thu nhận sóng âm dưới đáy biển, được rải khắp một vùng biển hay nhiều vùng biển trên thế giới, được liên kết bởi hệ thống cáp điện hay cáp quang.
Hệ thống dạng này bao gồm hàng nghìn thiết bị thu nhận âm thanh dạng sonar được rải khắp 1 vùng biển hay các vùng biển trên thế giới, được liên kết bởi hệ thống cáp điện hay cáp quang. Các thông tin thu nhận được sẽ được xử lý và chuyển tới các phương tiện săn ngầm, tiến hành "bắt chết tàu ngầm".
Trung Quốc bắt đầu rải hệ thống cảm biến dưới đáy Biển Đông
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi vào tháng 7/2015, truyền thông Trung Quốc đã tiết lộ việc hải quân nước này lợi dụng một cuộc tập trận đổ bộ lập thể được tổ chức ở khu vực đông nam đảo Hải Nam, tức tây bắc Hoàng Sa của Việt Nam để rải các thiết bị cảm biến dưới đáy Biển Đông.
Trong tập trận trên biển Đông từ ngày 22 đến 31/7/2015, hải quân Trung Quốc đã tiến hành rải các thiết bị thu âm thanh dưới nước thuộc hệ thống trinh sát, giám sát tàu ngầm dưới đáy biển, trong kế hoạch xây dựng "Vạn lý trường thành chống tàu ngầm Mỹ".
Hàng loạt trang mạng "Đông Phương", Thời báo Hoàn Cầu, Chinanews…, của Trung Quốc cũng tung ra một bức ảnh về hình mẫu "Mạng lưới quan trắc dưới đáy biển" Trung Quốc, ám chỉ việc Bắc Kinh đang xây dựng một mô hình hệ thống giám sát âm thanh dưới đáy biển.
Bất cứ một âm thanh nào lọt vào khu vực phủ sóng của chúng đều sẽ được thu nhận, lọc và chuyển về trạm gốc. Đây là các trạm phân tích số liệu, với cơ sở dữ liệu âm thanh của nhiều loại tàu ngầm khác nhau, tại các vùng biển khác nhau.
Căn cứ vào thời gian và vị trí truyền tín hiệu về, các trạm này sẽ phân tích, so sánh mẫu và xác định nguồn âm thanh, vị trí và cự ly của chúng tới thiết bị cảm biến.
Sau khi đã xác định đúng âm thanh hoặc là những xung động từ chân vịt, động cơ… của tàu ngầm, các trạm này sẽ truyền dẫn số liệu đến trung tâm điều phối để chỉ huy, điều động phương tiện săn ngầm phù hợp nhanh chóng đến khu vực đó, bắt tàu ngầm "phải hiện nguyên hình".
Việc sử dụng các hệ thống thiết bị này để giám sát tàu ngầm này có thể bảo vệ những vùng biển và luồng đường quan trọng chống lại sự xâm nhập của tàu ngầm một cách thường xuyên liên tục, điều mà các phương tiện săn ngầm trên mặt nước không làm được.
Hệ thống cảm biến dưới đáy biển có hiệu quả săn ngầm cao hơn so với các phương tiện săn ngầm trên mặt nước không sánh bằng
Các chuyên gia quân sự Đại Lục bình luận, việc xây dựng thành công một hệ thống giám sát âm thanh tàu ngầm dưới đáy biển là điều không nhiều cường quốc hải quân trên thế giới làm được, từ trước đến nay mới chỉ có Nga và Mỹ có đủ khả năng xây dựng được hệ thống này.
Thậm chí, có chuyên gia cho rằng, hệ thống này kết hợp với khả năng giám sát của máy bay tuần tiễu săn ngầm "Cao Tân-6" (GX-6) sẽ đưa khả năng trinh sát chống ngầm của Trung Quốc lên "một tầm cao mới", các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ vừa "lò dò" ra khỏi căn cứ trên đảo Guam đã bị phát hiện ngay lập tức.
Tuy tuyên bố của chuyên gia Trung Quốc có hơi "quá đà" khi nước này chưa thể triển khai hệ thống các thiết bị giám sát âm thanh dưới đáy biển trên khắp các đại dương trên thế giới, nhưng ít nhất là hải quân nước này đã đủ khả năng giám sát các tàu ngầm trên biển Đông hay biển Hoa Đông.
Đây là điều mà các nước Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế hế sức lo ngại bởi Bắc Kinh đã lợi dụng khẩu hiệu nhân đạo cho việc kiểm soát Biển Đông nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm vùng biển này.