Trung Quốc tuyên bố tập trận trên biển Đông ‘để tưởng nhớ cái chết của một phi công’

Anh Minh |

Không quân Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận trên vùng trời biển Đông kéo dài một tháng từ hôm thứ Năm, và theo họ, lý do là để “tưởng nhớ cái chết của một phi công Trung Quốc trong vụ va chạm với một máy bay do thám của Mỹ 20 năm trước”.

Trung úy Vương Vỹ (Ảnh: China Military Online)

Trung úy Vương Vỹ (Ảnh: China Military Online)

Các cuộc tập trận đang được tổ chức tại một khu vực với bán kính 5 km trên Biển Đông, gần Bán đảo Lôi Châu. Một thông báo do Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đưa ra đã cấm các tàu dân sự hoặc tàu chở hàng di chuyển trong khu vực trong thời gian diễn tập.

Vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, một máy bay do thám EP-3E ARIES II của Hải quân Mỹ đã bị đánh chặn bởi hai máy bay chiến đấu J-8II của Trung Quốc, một trong số chúng do Trung úy Vương Vỹ của Hải quân Trung Quốc điều khiển, người đã thực hiện hai lần tiếp cận chiếc EP-3.

Trong lần tiếp cận thứ ba, máy bay của Vương va chạm với máy bay Mỹ và chiếc J-8 bị vỡ thành hai mảnh; mũi chiếc EP-3 bốn động cơ cánh quạt bị rời ra hoàn toàn và cánh quạt số 1 bị hư hại nghiêm trọng.

Dữ liệu về tốc độ và độ cao bị mất, máy bay bị giảm áp suất và một ăng-ten bị quấn quanh phần đuôi máy bay. Cánh đuôi đứng của J-8 va vào cánh bên trái của chiếc EP-3 khiến máy bay Mỹ nghiêng sang trái.

Vương buộc phải phóng dù. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc tìm kiếm phi công này, kéo dài 14 ngày trên Biển Đông nhưng không tìm thấy anh ta. Vương được cho là đã chết. Anh chỉ còn 9 ngày nữa là tổ chức sinh nhật lần thứ 33, theo China Military Online.

Phi hành đoàn của chiếc EP-3 sau đó đã thực hiện một kế hoạch khẩn cấp bao gồm phá hủy các vật dụng nhạy cảm trên máy bay, chẳng hạn như thiết bị điện tử liên quan đến thu thập thông tin tình báo, tài liệu và dữ liệu.

Máy bay Mỹ đã hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Linh Thủy, sau khi ít nhất 15 tín hiệu cấp cứu không được trả lời. Nó hạ cánh ở tốc độ 320km/giờ, không có các cánh lật (aileron, flap, trim, các bộ phận trên cánh giúp điều khiển máy bay-PV), một thang máy bên trái bị hư hỏng.

Cả nguyên nhân của vụ va chạm và việc quy trách nhiệm đều gây tranh cãi. Chính phủ Mỹ tuyên bố rằng tiêm kích của Trung Quốc đã va vào cánh của chiếc EP-3 lớn hơn, chậm hơn và kém cơ động hơn.

Sau khi trở về đất Mỹ, phi công của EP-3, Trung úy Shane Osborn, được phép phát biểu ngắn gọn, nói rằng EP-3 đang ở chế độ lái tự động và bay thẳng và ngang vào thời điểm vụ va chạm. Trong cuộc phỏng vấn với Frontline, anh nói chỉ đang ngồi canh chừng“chiếc máy bay trong chế độ lái tự động”.

Tuy nhiên, dựa trên lời kể của phi công bay biên đội với Vương Vĩ, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng máy bay Mỹ đã “quay đầu ở góc rộng về phía Trung Quốc”, trong quá trình này đã đâm vào chiếc J-8. Tuyên bố này không thể được xác minh vì chính phủ Trung Quốc không công bố dữ liệu từ thiết bị ghi lại hành trình bay của chiếc tiêm kích của họ.

Trong khi đó, vụ việc đã gặp phải phản ứng địa chính trị mạnh mẽ. 24 thành viên phi hành đoàn (21 nam và 3 nữ) của Mỹ đã bị giam giữ trong 10 ngày. Quân đội Trung Quốc đã lên chiếc EP-3 kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị của máy bay.

Phi hành đoàn chỉ thành công một phần trong việc tiêu hủy tài liệu mật, và có một số tài liệu mà họ không phá hủy được bao gồm khóa mật mã, sổ tay tình báo tín hiệu và tên của các nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia. Một số máy tính chứa thông tin chi tiết để xử lý thông tin liên lạc từ Triều Tiên, Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác.

Máy bay cũng mang thông tin về các tham số cho các hệ thống radar của đồng minh Mỹ trên toàn thế giới. Việc Mỹ có thể theo dõi tàu ngầm hải quân Trung Quốc thông qua đường truyền tín hiệu cũng đã bị lộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại