Trung Quốc triệu tập các hãng công nghệ lớn thế giới để 'dằn mặt'

Phương Anh |

Trung Quốc triệu tập các công ty công nghệ lớn, cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu họ hợp tác với lệnh cấm của Mỹ không bán công nghệ cho Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc tuần trước triệu tập các công ty công nghệ lớn, bao gồm Microsoft và Dell từ Mỹ, Samsung từ Hàn Quốc, cảnh báo rằng họ có thể phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu hợp tác với lệnh cấm của chính quyền ông Trump trong việc ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng của Mỹ, một số nguồn tin giấu tên tiết lộ với The New York Times.

Cuộc họp cũng có sự tham gia của các nhà sản xuất sản phẩm bán dẫn như Arm của Anh, và SK Hynix của Hàn Quốc, theo một nguồn tin khác.

Các cuộc họp được cho là diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh thông báo họ đang tập hợp một danh sách các công ty và cá nhân "không đáng tin cậy". Danh sách này được xem như một cách trả đũa chính quyền ông Trump vì quyết định "cấm cửa" Huawei, gã khổng lồ điện tử viễn thông Trung Quốc, khỏi các nguồn cung công nghệ Mỹ. Mỹ cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại và thực hiện các hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh. Tất nhiên Huawei luôn phủ nhận các cáo buộc này.

Dominic Carr, phát ngôn viên của Microsoft, từ chối bình luận về cuộc họp, tương tự như Phil Hughes, đại diện của Arm, và Dave Farmer, phát ngôn viên của Dell. Đại diện của Samsung và SK Hynix không trả lời yêu cầu bình luận.

Cuộc triệu tập này do Cơ quan lập kế hoạch kinh tế trung ương và Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách của Trung Quốc tiến hành, có sự tham gia của các đại diện từ Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này.

Sự tham gia của ba cơ quan chính phủ cho thấy động thái có mức độ phối hợp cao và có khả năng được phê duyệt từ hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu. Sự can thiệp có thể được xây dựng để tăng cường hỗ trợ cho Huawei, mặc dù công ty không được đề cập cụ thể, nguồn tin nói.

Khi mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị phá vỡ, Trung Quốc lo sợ rằng các công ty lớn sẽ tìm cách chuyển sản xuất đi nơi khác để tránh rủi ro dài hạn. Trong các cuộc họp, các quan chức Trung Quốc cảnh báo rõ ràng với các công ty rằng bất kỳ động thái nào nhằm kéo sản xuất khỏi Trung Quốc, nằm ngoài tiêu chuẩn cho mục đích an ninh có thể dẫn đến hình phạt, nguồn tin cho biết thêm.

Các quan chức Trung Quốc dường cũng như có các thông điệp khác nhau cho các công ty, tùy thuộc vào việc họ có phải là người Mỹ hay không, theo nguồn tin.

Đối với các doanh nghiệp Mỹ, họ cảnh báo rằng chính quyền ông Trump có động thái cắt đứt các công ty Trung Quốc khỏi nguồn cung ứng công nghệ Mỹ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, và các công ty tuân theo chính sách này có thể phải đối mặt với hậu quả vĩnh viễn. Chính quyền Trung Quốc cũng ám chỉ rằng các công ty nên vận động hành lang để đẩy lùi các động thái của chính phủ.

Với các công ty từ bên ngoài Mỹ, các quan chức Trung Quốc nói rằng miễn là họ giữ mối quan hệ hiện tại và tiếp tục cung cấp cho các công ty Trung Quốc bình thường, họ sẽ không gặp phải hậu quả bất lợi nào. Họ cũng nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc về mở cửa thương mại và bảo vệ sở hữu trí tuệ, theo các nguồn tin.

Sự rạn nứt mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến các công ty và chính phủ toàn cầu gặp khó khăn. Lệnh cấm đột ngột đối với Huawei hồi tháng 5 khiến nhiều người bất ngờ, ảnh hưởng nghiêm trọng tham vọng phát triển công nghệ về dài hạn của Trung Quốc.

Cả hai siêu cường dường như đều đang chuẩn bị "vũ khí kinh tế" mới để đáp trả lẫn nhau. Theo New York Times, mối quan hệ đầy rủi ro này có thể bị phá vỡ hoàn toàn và xuất hiện một thực tế địa chính trị mới, trong đó hai siêu cường thế giới cạnh tranh gay gắt để có ảnh hưởng kinh tế và cố gắng đóng băng nguồn cung các công nghệ chính và tài nguyên của nhau.

Paul Triolo, chuyên gia thuộc Tập đoàn tư vấn Eurasia nói: "Bắc Kinh cho rằng chính quyền Washington muốn cản trở sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và nếu điều đó tiếp diễn, tương lai của nền kinh tế số Trung Quốc sẽ bị đe dọa".

Nhìn rộng hơn, các cảnh báo dường như cũng là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phá vỡ chuỗi cung ứng tinh vi kết nối nền kinh tế Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Sản xuất một loạt các linh kiện điện tử và hóa chất, cùng với việc lắp ráp các sản phẩm điện tử, làm cho đất nước này trở thành nền tảng cho hoạt động của nhiều công ty đa quốc gia lớn nhất toàn cầu.

Trung Quốc từng sử dụng những người khổng lồ công nghệ Mỹ như một công cụ ngoại giao. Trong chuyến thăm cấp cao tới Mỹ năm 2015, ông Tập dừng chân tại Seattle trước khi tới Washington, gặp các giám đốc điều hành công nghệ Mỹ và Trung Quốc như một cách để nhấn mạnh chiều sâu của mối quan hệ kinh tế hai nước, ngay cả khi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama tìm cách vạch ra một chiến dịch chống lại các quy tắc đầu tư và hoạt động thương mại giảm cạnh tranh của Trung Quốc.

Tuy nhiên giới phân tích nhận định nhiều khả năng lời đe dọa của chính quyền Trung Quốc thời điểm hiện tại sẽ không có tác dụng. Chuyên gia Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng chắc chắn các công ty Mỹ sẽ không dám vi phạm luật pháp Mỹ.

“Ở thời điểm hiện tại, mọi hành động của các công ty Mỹ đều bị chính quyền Washington giám sát chặt chẽ. Các doanh nghiệp mắc kẹt trong thế lưỡng nan, nhưng buộc phải chọn phía Mỹ”, ông Kennedy nhấn mạnh.

Hiện tại các cơ quan Trung Quốc chưa có phản hồi gì về các thông tin trên The New York Times.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại