Trung Quốc tính đường ra mắt máy bay ném bom tàng hình: 'Xoay chuyển' cán cân quân sự khu vực?

An Bình |

Bắc Kinh đang cẩn trọng xem xét việc giới thiệu loại máy bay tối tân này tại Triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11 năm nay, giữa thời điểm căng thẳng khu vực tăng cao.

Máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Trung Quốc có thể sẵn sàng để giao hàng trong năm nay, nhưng Bắc Kinh được cho là đang cân nhắc tác động của việc công bố khí tài này vào thời điểm phức tạp trong quan hệ với khu vực do đại dịch virus corona.

Các nguồn tin quân sự cho biết máy bay ném bom tàng hình siêu thanh Xian H-20 - dự kiến sẽ tăng gấp đôi tầm bắn của nước này - có thể xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong năm nay, vào dịp Triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11 năm nay nếu đại dịch được kiểm soát.

"Triển lãm này dự kiến sẽ là một dịp để quảng bá hình ảnh Trung Quốc và sự thành công của họ trong việc kiểm soát đại dịch, để có thể nói với thế giới bên ngoài rằng sự lây nhiễm lần này không có tác động lớn đến các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, tờ SCMP dẫn một nguồn tin cho biết.

Tác động đến cân bằng khu vực?

Nhưng sự xuất hiện của loại máy bay ném bom này tại triển lãm hàng không năm nay có thể làm gia tăng căng thẳng bằng cách đe dọa trực tiếp các quốc gia trong phạm vi tấn công của nó, đặc biệt là Australia, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn đang xem xét cẩn trọng liệu sự ra mắt này có ảnh hưởng đến cân bằng khu vực hay không, đặc biệt là khi căng thẳng khu vực đang leo thang vì đại dịch Covid-19, một nguồn tin khác cho biết và nói thêm:

"Giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tất cả các máy bay ném bom chiến lược đều có thể được sử dụng để chở theo vũ khí hạt nhân, nếu Trung Quốc tuyên bố họ đã theo đuổi chính sách quốc phòng quốc gia hoàn toàn là phòng thủ, tại sao nó lại cần một vũ khí tấn công như vậy?"

Căng thẳng trong khu vực đã trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng qua khi Bắc Kinh và Washington chỉ trích nhau về đại dịch Covid-19, Cả hai bên đều tăng cường tuần tra hải quân ở eo biển Đài Loan và vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính H-20, loại mới nhất 20 máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc, có thể bay hơn 8,500km (5.300 dặm). Các tiêm kích mới của Trung Quốc cũng bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình J-20, vận tải cỡ lớn Y-20 và máy bay trực thăng đa năng hạng trung Z-20.

Sự xuất hiện của H-20 sẽ đánh dấu sự hoàn tất bộ ba hạt nhân Trung Quốc, với các tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất, tên lửa phóng từ tàu ngầm và vũ khí phóng từ trên không.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết H-20 có thể thay đổi tính toán chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách tăng gấp đôi phạm vi tấn công của H-6K hiện tại, được mệnh danh là B-52 của Trung Quốc.

H-20 được cho là thiết kế nhằm tấn công các mục tiêu vượt ra ngoài vòng đảo thứ hai - bao gồm các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, đảo Guam, Philippines và các quốc gia khác – tính từ các căn cứ ở Trung Quốc đại lục. Chuỗi đảo thứ ba kéo dài đến Hawaii và ven biển Australia.

Sức mạnh thật sự của H-20

H-20 sẽ được trang bị tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường, có trọng lượng cất cánh tối đa ít nhất 200 tấn và trọng tải lên tới 45 tấn. Máy bay ném bom này dự kiến sẽ bay ở tốc độ cận siêu thanh và có khả năng phóng ra bốn tên lửa hành trình tàng hình siêu thanh mạnh mẽ.

Tuy nhiên, giống như máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Trung Quốc J-20, quá trình phát triển động cơ của máy bay ném bom H-20 đã bị chậm so với kế hoạch, theo các nguồn tin.

H-20 được cho là đã bắt đầu quá trình phát triển từ đầu những năm 2000. Dự án phát triển máy bay ném bom chiến lược lần đầu tiên được quân đội Trung Quốc công bố vào năm 2016.

Đối với J-20, các kỹ sư đưa ra thiết kế động cơ WS-15 lực đẩy cao, nhưng máy bay phản lực này được biết là sử dụng động cơ WS-10B hoặc AL-31FM2 / 3 do Trung Quốc chế tạo, làm ảnh hưởng đến khả năng cơ động và khả năng tàng hình của nó tốc độ cận siêu thanh.

Những chuyên gia giới quân sự đã đồn đoán rằng H-20 có thể sử dụng động cơ NK-321 của Nga nhưng có hai nguồn tin quân sự độc lập cho biết nó sẽ được trang bị động cơ WS-10 bản nâng cấp.

Thực tế WS-10 vẫn là một thiết bị mang tính chuyển tiếp cho H-20 vì nó không đủ mạnh. Thiết bị thay thế đủ điều kiện có thể mất hai đến ba năm để phát triển, một trong những nguồn tin cho biết.

Nguồn tin thứ hai cho biết tốc độ của H-20 sẽ chậm hơn so với thiết kế ban đầu của nó, và một số tính năng chiến đấu ban đầu của nó bị giảm.

"Đó là lý do mà lực lượng không quân Mỹ không quan tâm đến H-20, bởi vì nó không đủ mạnh để gây ra bất kỳ thách thức nào đối với máy bay ném bom B-2 và B-21 của họ", nguồn tin này cho hay.

Nếu Mỹ quyết định triển khai thêm máy bay chiến đấu siêu thanh F-35 - họ đã bán khoảng 200 chiếc cho Nhật Bản và Hàn Quốc – thì điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc giới thiệu máy bay ném bom mới, nguồn tin thứ hai nói.

Ví dụ, nếu một số người có quyền quyết định của Hoa Kỳ quyết định triển khai tới 500 chiếc F-35 đến Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Singapore, Ấn Độ và Đài Loan – tạo nên tình thế hầu hết láng giềng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đều sử dụng F-35 thì - điều đó sẽ thúc đẩy Bắc Kinh ra mắt H-20 càng sớm càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại