Trung Quốc siết chặt lệnh cấm với một ngành công nghiệp 17,5 tỷ đô: Vì sợ mãi thua 1 nước châu Á?

Trang Ly |

Động thái này nhằm mục đích củng cố vị trí đặc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất nam châm đất hiếm nói chung, SCMP cho biết.

Theo tin tức mới nhất đăng ngày 21/1/2024 trên SCMP, Bộ Thương mại Trung Quốc siết chặt hơn nữa lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm từ ngày 21/12/2023.

Trong khi các lệnh cấm trước đây bao gồm việc cấm xuất khẩu công nghệ khai thác và phân tách, thì lệnh cấm mới này bao gồm công nghệ chế tạo nam châm vĩnh cửu – một quy trình cuối cùng trong chuỗi cung ứng đất hiếm.

Ngành công nghiệp chục tỷ đô

Lệnh cấm mới của Trung Quốc bao gồm các công nghệ chế tạo 3 loại nam châm vĩnh cửu đất hiếm: Samarium coban, xeri và boron sắt neodymium (NdFeB)

Nam châm NdFeB là loại nam châm mạnh nhất và có nhu cầu cao nhất trong số các nam châm vĩnh cửu và là thành phần thiết yếu cho xe điện.

Hiện nay, Trung Quốc là nhà cung cấp và chế biến đất hiếm lớn nhất thế giới. Trong số tất cả các mặt hàng chế biến tiên tiến, nam châm mang lại nhu cầu lớn nhất và có giá trị gia tăng cao nhất, với các ứng dụng trong các sản phẩm năng lượng xanh như xe điện và tua-bin gió, cũng như robot và vũ khí quân sự.

Theo Research and Markets, nam châm đất hiếm là ngành công nghiệp trị giá 17,5 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển. Nam châm là sản phẩm được chế biến từ đất hiếm được ưa chuộng nhất vì vai trò quan trọng của chúng trong công nghệ năng lượng sạch, đặc biệt là xe điện.

Trung Quốc siết chặt lệnh cấm với một ngành công nghiệp 17,5 tỷ đô: Vì sợ mãi thua 1 nước châu Á?- Ảnh 1.

Nam châm đất hiếm đang có nhu cầu cao vì vai trò quan trọng của chúng trong công nghệ năng lượng sạch, đặc biệt là xe điện. Ảnh: AP

SCMP cho biết, xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua, từ khoảng 27.000 tấn vào năm 2016 và đây là sản phẩm đất hiếm được xuất khẩu nhiều nhất.

Báo cáo năm 2022 của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Trung Quốc thống trị mọi giai đoạn trong chuỗi cung ứng nam châm đất hiếm – từ khai thác, phân tách và tinh chế cho đến chế tạo nam châm. Báo cáo cho biết, nước này chiếm 92% sản lượng nam châm toàn cầu hàng năm vào năm 2020, trong khi Mỹ chỉ chiếm chưa đến 1%.

Siết lệnh cấm để vượt Nhật Bản?

Lệnh cấm mới không chỉ nhằm mục đích củng cố vị trí đặc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất nam châm đất hiếm nói chung mà còn là nỗ lực tăng cường sản xuất nam châm hiệu suất cao để bắt kịp Nhật Bản. Mặc dù Trung Quốc sản xuất và sử dụng hầu hết nam châm đất hiếm trên thế giới nhưng Nhật Bản vẫn dẫn đầu về công nghệ các loại có hiệu suất cao hơn.

Trong chuỗi cung ứng đất hiếm, việc phân tách và chiết xuất là các quy trình thượng nguồn (thăm dò, khai thác) chuyển đổi nguyên liệu thô thành oxit và kim loại đất hiếm, nhưng sản xuất nam châm là quy trình hạ nguồn (chế biến, phân phối) có giá trị gia tăng cao nhất.

Những năm gần đây, nhiều nước cũng đẩy mạnh xây dựng nhà máy chế biến bên ngoài Trung Quốc.

Một nghiên cứu do Trung Quốc dẫn đầu được công bố trên tạp chí Ore Geology Reviews vào tháng 10/2022 cho biết có khoảng 67 cơ sở chế biến đất hiếm bên ngoài Trung Quốc đang được xây dựng hoặc đang hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có 6 cơ sở sản xuất nam châm.

Trung Quốc siết chặt lệnh cấm với một ngành công nghiệp 17,5 tỷ đô: Vì sợ mãi thua 1 nước châu Á?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Getty

Với các công nghệ xử lý thượng nguồn đã bị cấm xuất khẩu, lệnh cấm tháng 12/2023 đánh dấu nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố hơn nữa lợi thế của mình trong sản xuất nam châm hạ nguồn, trong bối cảnh tập trung mới vào việc cạnh tranh nguồn cung đất hiếm với Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) và các nền kinh tế phát triển khác.

Duan Xiaolin, trợ lý giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Trường Đại học Trung Hoa Hồng Kông – Thâm Quyến (CUHK) cho biết: “Bắc Kinh đã nhận ra rằng lợi thế thực sự của Trung Quốc về đất hiếm nằm ở công nghệ xử lý và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh. Lệnh cấm mới này nhằm mục đích duy trì vị thế đặc quyền của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu".

Nghiên cứu từ Viện Paulson (trụ sở tại Chicago, Mỹ) chỉ ra rằng nhu cầu toàn cầu về nam châm vĩnh cửu NdFeB hiệu suất cao sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030 từ mức dưới 50.000 tấn vào năm 2020, vượt xa nguồn cung của thế giới.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản về sản xuất nam châm NdFeB từ năm 2001. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong khi Trung Quốc dẫn đầu phân khúc nam châm cấp thấp thì Nhật Bản vẫn kiểm soát phần lớn các bằng sáng chế về nam châm hiệu suất cao. 

Giới học giả Trung Quốc cho biết, Trung Quốc có thể hy vọng vượt qua Nhật Bản về nam châm vĩnh cửu hiệu suất cao, nhưng điều đó vẫn sẽ mất một thời gian. Trung Quốc đã cố gắng thu hẹp khoảng cách với các bằng sáng chế và sản xuất nam châm hiệu suất cao của Nhật Bản kể từ những năm 2010, nhưng tiến độ rất chậm.

Viện Paulson chỉ ra rằng, đến năm 2018, Nhật Bản sản xuất 48% tổng số nam châm hiệu suất cao trên thế giới - trong khi Trung Quốc sản xuất 36%.

Với lệnh cấm, Trung Quốc đang hướng tới đẩy nhanh phát triển sản xuất nam châm hiệu suất cao bằng cách cung cấp không gian tốt hơn để phát triển các bằng sáng chế trong nước.

Tham khảo: SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại