Theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất, bộ phận không khí lạnh gây đợt rét đậm, rét hại từ ngày 21/1 sẽ diễn ra trên diện rộng. Là đợt rét sâu nhất trong năm 2024, nên nhiều địa điểm vùng cao của Việt Nam dễ xảy ra băng tuyết.
Vậy đâu là những điểm cao nhất Việt Nam và có khả năng xảy ra băng tuyết hàng năm, đặc biệt là mùa Đông, bao gồm:
1. Fansipan - Cao 3.143 mét
Fansipan là đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam. Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Fansipan được ví như "nóc nhà Đông Dương" với độ cao ấn tượng - cao 3.143 mét.
Đỉnh núi này nằm ở biên giới tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu. Mỗi khi Đông về, trong những đợt rét đậm, đỉnh núi cao này thường xuyên có băng tuyết.
2. Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) - Cao 2.427 mét
Tây Côn Lĩnh là ngọn núi phía Tây của tỉnh Hà Giang, nằm ở độ cao 2.427 mét so với mực nước biển. Trong những đợt rét đậm, rét hại vào mùa Đông, nhiệt độ tại Tây Côn Lĩnh có thể xuống âm độ C, rất dễ có băng tuyết xảy ra.
3. Y Tý (Lào Cai) - Cao hơn 2.000 mét
Y Tý là một xã vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai. Y Tý nằm trên vùng núi đá cao hơn 2.000 mét nên nơi đây cũng là một trong những điểm có tuyết rơi sớm và nhiều nhất tại miền núi phía Bắc.
4. Phia Oắc (Cao Bằng) - Cao hơn 1.900 mét
Với địa hình cao hơn 1.900 mét so với mực nước biển cùng nền nhiệt tương đối thấp, vào những ngày mùa Đông, việc tuyết rơi phủ trắng cây cối, các con đường đèo quanh co tại Phia Oắc cũng không có gì là lạ.
5. Tà Xùa (Sơn La) - Cao 1.500-1.800 mét
Tà Xùa là một xã vùng cao của Sơn La. Xã này có độ cao từ 1.500-1.800 mét so với mực nước biển. Không chỉ có khả năng xuất hiện băng tuyết mỗi khi Đông về, Tà Xùa còn là địa điểm "săn mây" nổi tiếng ở Việt Nam.
6. Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - Cao 1.520 mét
Mẫu Sơn là dãy núi có địa hình cao ngoạn mục, với độ cao trung bình từ 800-1000 mét so với mực nước biển, trong đó có đỉnh cao nhất cao 1.520 mét. Trong những đợt rét đậm, rét hại, nơi đây tường có tuyết rơi khá nhiều.
7. Mèo Vạc (Hà Giang) - Cao 1.000-1.500 mét
Mèo Vạc thuộc huyện Đồng Văn (Hà Giang), có độ cao từ 1000-1500m so với mực nước biển. Mỗi khi có rét đậm, rét hại, nhiệt độ tại Mèo Vạc có thể xuống tới dưới 0 độ C và cái rét buốt, lạnh tê tái là điều không còn xa lạ.