Tự hào Việt Nam: Vệ tinh radar đầu tiên trong lịch sử sắp vút lên trời - bệ phóng vươn lên dẫn đầu ASEAN

Trang Ly |

Vệ tinh LOTUSat-1 - vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam là bước đệm để người Việt làm chủ công nghệ vũ trụ.

Theo tin tức mới nhất đưa ngày 20/1/2024, Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) - cơ quan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, vệ tinh LOTUSat-1 - vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam được khởi động từ năm 2021, dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào khoảng tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, Tiền Phong cho hay.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thông tin, LOTUSat-1 - có khối lượng khoảng 570 kg - là vệ tinh quan sát Trái đất với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar – SAR). 

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam có thể phát hiện vật thể 1m từ độ cao 500km

Vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến hoạt động trên Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (Sun Synchronous Orbit – SSO) ở độ cao xấp xỉ 500 km, và có thể phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất. 

Tự hào Việt Nam: Vệ tinh radar đầu tiên trong lịch sử sắp vút lên trời - bệ phóng vươn lên dẫn đầu ASEAN- Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1 trên quỹ đạo Trái đất. Ảnh: Nippon Electric Company

LOTUSat-1 có thể cung cấp ảnh vệ tinh theo ba chế độ chụp ảnh: Chế độ điểm với độ phân giải không gian tốt nhất 1m; Chế độ dải với độ phân giải không gian 2m; Chế độ chụp quét với độ phân giải không gian 16m.

Thời gian hoạt động của vệ tinh là trên 5 năm. Vệ tinh có tốc độ dữ liệu tối đa lên đến 832 Mbps, dữ liệu từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Huy, một trong những tính năng nổi trội nhất của vệ tinh LOTUSat-1 là chụp ảnh ở mọi loại thời tiết nên nó rất phù hợp với điều kiện thời tiết nhiều mây và sương mù của nước ta. Do đó, ông hy vọng LOTUSat-1 có thể đóng vai trò quan trọng nhằm ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu trên toàn lãnh thổ Việt Nam gồm cả trên biển.

Các chuyên gia cho biết, dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

"Cuộc chạy đua vươn lên bầu trời" của Việt Nam bắt đầu từ đâu?

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cho biết khoa học và công nghệ vũ trụ là biểu tượng của quốc gia có trình độ phát triển kỹ thuật cao. "Cuộc chạy đua vươn lên bầu trời" chính là nơi các quốc gia thể hiện sức mạnh công nghệ, tiềm lực quốc gia của mình.

Ở Việt Nam, việc làm chủ công nghệ vệ tinh còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Hàng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, ước tính gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.

Theo báo cáo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5% – 10 % tổng thiệt hại do thiên tai gây ra, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thông tin.

Tự hào Việt Nam: Vệ tinh radar đầu tiên trong lịch sử sắp vút lên trời - bệ phóng vươn lên dẫn đầu ASEAN- Ảnh 3.

Các nhà khoa học Việt Nam của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chụp ảnh bên cạnh vệ tinh NanoDragon.

Tất cả những điều này cho thấy, việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến bất ngờ.

Do đó, mục tiêu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là tiến đến làm chủ công nghệ phát triển vệ tinh nhỏ góp phần thực hiện “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học vào công nghệ vụ trụ đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.

Để có được LOTUSat-1 như ngày hôm nay, Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (như LOTUSat-1).

- Năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo được phóng và hoạt động tương đối ổn định 3 tháng trên vũ trụ.
- Cùng năm 2013, các kỹ sư Việt Nam bắt tay vào thiết kế, chế tạo vệ tinh MicroDragon có khối lượng 50kg, hợp phần của dự án đào tạo 36 thạc sỹ hàng không vũ trụ Việt Nam ở Nhật Bản.
- Một vệ tinh khác là NanoDragon (khối lượng 10kg) cũng đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, phát triển, và được phóng vào năm 2021.
- Sau PicoDragon, MicroDragon, NanoDragon, những vệ tinh mang tính đào tạo, Việt Nam sẽ tiến tới chế tạo vệ tinh có giá trị cao là LOTUSat-1 và LOTUSat-2.
Nguồn: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

PGS.TS Phạm Anh Tuấn thông tin, LOTUSat-1 do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam. Đến LOTUSat-2, việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ người Việt thực hiện, đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt. Sau LOTUSat-2, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu ASEAN về công nghệ vệ tinh.

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ trong thế kỷ 21, ngành vũ trụ của châu Á nói riêng và tòan thế giới nói chung đang phát triển bùng nổ. Làm chủ công nghệ này có thể hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, giải quyết được các vấn đề toàn cầu (như biến đổi khí hậu) và nâng tầm vị thế quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

Tham khảo: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Tiền Phong


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại