Ông Carl Weinberg - chuyên gia kinh tế trưởng và Giám đốc điều hành của High Frequency Economics - nói với CNBC rằng Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất hành tinh và dần có khả năng điều phối thị trường dầu mỏ theo ý mình.
Ả Rập Saudi đã "chú ý đến chuyện này vì chỉ 1 hoặc 2 năm nữa thì nhu cầu của Trung Quốc sẽ ngang Mỹ", ông Weinberg chia sẻ.
"Tôi tin rằng việc định giá dầu bằng nhân dân tệ sẽ tới và ngay sau khi Ả Rập Saudi chấp nhận điều này - trong trường hợp Trung Quốc buộc họ phải chấp nhận - thì phần còn lại của thị trường dầu mỏ sẽ thực hiện giống như họ", ông Weinberg dự đoán tương lai ảm đạm cho petrodollar.
Việc lật đổ petrodollar không phải là ý tưởng mới mẻ gì, khi trật tự này đã tồn tại hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì Trung Quốc và Nga rất tích cực trong vấn đề lật đổ đồng USD khỏi vị trí là đồng tiền dự trữ chung của thế giới.
Cả Nga và Trung Quốc đều quyết tâm thực hiện một thị trường mua bán dầu phi USD. Cả hai nước cũng tăng cường khai thác, mua vàng vật chất để dự trữ phòng trường hợp đồng USD sụp đổ.
Ả Rập Saudi vô cùng quan trọng với petrodollar do nước này là trụ sở chính của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Chỉ cần Ả Rập Saudi thay đổi, chuyển sang dùng nhân dân tệ trong giao dịch mua bán dầu thì các nước còn lại trong tổ chức xuất khẩu dầu sẽ làm theo.
Trung Quốc hiện đang rậm rịch thực hiện kế hoạch thiết lập hợp đồng dầu thô kỳ hạn chuẩn mới, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và được hỗ trợ bằng vàng. Giới phân tích đã đánh giá cao về khả năng thành công của kế hoạch này và đang nói nhiều đến cái gọi là “sự trỗi dậy của “petroyuan” (nhân dân tệ dầu mỏ).
Tất nhiên, Mỹ cũng sẽ không ngồi yên nhìn “đế chế petrodollar” mà họ tạo dựng bị lung lay rồi sụp đổ, điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, đưa cả thế giới vào một chu kỳ bất ổn nghiêm trọng mới.
petrodollar là gì và vì sao nó quan trọng
Sau sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Ả Rập Saudi vào tháng 6.1974, theo đó Mỹ cung cấp viện trợ kỹ thuật và quân sự cho Ả Rập Saudi để đổi lấy việc nước này chỉ chấp nhận USD làm đồng tiền trong mua bán dầu thô.
Thông qua thỏa thuận này, hệ thống "petrodollar" (đôla dầu mỏ) được hình thành. Nói dễ hiểu thì "petrodollar" nghĩa là tất cả dầu mỏ khai thác ra đều phải dùng USD để mua bán, mà đồng USD thì lại do Mỹ in ra.
Chính hệ thống "petrodollar" đã nâng đồng USD lên vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới và nhờ vào điều này, Mỹ đã ngồi chắc trên ngai vị bá chủ kinh tế toàn cầu mấy mươi năm qua. Hệ thống "petrodollar" cũng mang lại cho các thị trường tài chính Mỹ nguồn cung cấp thanh khoản và dòng vốn nước ngoài thông qua "xoay vòng petrodollar".