Một nguồn tin gần gũi với quân đội Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post (Hồng Kông) trong các tên lửa được phóng đi gồm có "tên lửa diệt tàu sân bay". Trung Quốc phóng hai tên lửa này chỉ một ngày sau khi cáo buộc máy bay do thám U-2 của Mỹ xâm phạm vùng cấm bay của họ trong khi Bắc Kinh đang tiến hành tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi biển Bột Hải.
Theo đó, một quả tên lửa đạn đạo DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải, phía Tây Bắc Trung Quốc. Một quả tên lửa đạn đạo DF-21D được phóng từ tỉnh Chiết Giang. Nguồn tin cho biết cả hai quả tên lửa này đều hướng vào mục tiêu là khu vực biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở biển Đông.
Đặc biệt tên lửa DF-26 có tầm bắn xa 4.000 km có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công hạt nhân hoặc thông thường nhằm vào các mục tiêu trên đất liền và trên biển. Trong khi đó, tên lửa DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800km, loại tân tiến nhất trong các tên lửa cùng dòng DF-21, là tên lửa đạn đạo chống hạm.
Nguồn tin cho hay động thái phóng hai tên lửa ra biển Đông trong sáng 26-8, quân đội Trung Quốc muốn gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ sau những xung đột trong thời gian qua.
Nguồn tin nói thêm vụ phóng tên lửa là nhằm cải thiện năng lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn các lực lượng khác tiếp cận khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Theo nguồn tin này, đây là phản ứng của Trung Quốc trước việc các chiến đấu cơ và chiến hạm, tàu sân bay Mỹ thường xuyên hoạt động ở biển Đông thời gian qua. Trung Quốc không muốn các nước láng giềng hiểu nhầm mục tiêu của mình.
Nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông Song Zhongping nhận định vụ phóng tên lửa của Trung Quốc rõ ràng là nhằm gửi thông điệp cho Mỹ.
Trước đó, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Ngày 26-8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự tại vùng biển phía Bắc Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự"- bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.