Theo Bộ Ngoại giao Philippines, trong tuần này, Trung Quốc đã đề nghị mở cuộc họp của một cơ chế tham vấn song phương với Philippines nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp hàng hải.
RFI dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, đây là một đề xuất mới, một cơ chế tham vấn song phương đặc biệt về Biển Đông.
Ông Jose cho biết thêm: "Trung Quốc không đặt ra điều kiện tiên quyết nào khi mời đàm phán song phương vào tháng Năm. Điều quan trọng là chúng ta có phương tiện hòa bình để giải quyết tranh chấp".
Vào năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực The Hague đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông, bao gồm cả các khu vực tranh chấp gần bờ biển các nước láng giềng. Phán quyết này nhằm đáp ứng đơn kiện của Philippines.
Tuy nhiên khi lên cầm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Philippines Duterte đã coi nhẹ phán quyết này, để quay sang bắt tay với Bắc Kinh nhằm tìm kiếm hàng tỷ đô la trong thương mại và đầu tư từ Trung Quốc.
Trung Quốc cho đến nay đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, luôn luôn đòi đàm phán song phương với từng bên tranh chấp, thay vì đàm phán đa phương như Philippines trước thời ông Duterte từng chủ trương.
Theo các nhà phân tích, các cuộc đàm phán trực tiếp với các nước láng giềng nhỏ hơn sẽ cho phép Trung Quốc gây áp lực chính trị và kinh tế to lớn của mình trong một khu vực phụ thuộc rất nặng nề vào thương mại với Trung Quốc.