Bà đồng thời cho biết phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền và an ninh của các nước khác, cũng như cần phải thực hiện thêm nhiều hành động chính đáng nhằm góp phần bảo vệ trật tự hàng hải thế giới, hoà bình và ổn định trong khu vực.
Theo "Báo cáo Tự do hàng hải trong Năm Tài chính 2015", quân đội Mỹ đã thực hiện các hoạt động tuần tra giám sát tự do hàng hải với 13 quốc gia và khu vực, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về thách thức của Mỹ đối với quyền quản lý của Trung Quốc tại vùng trời phía trên Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) và lệnh cấm máy bay nước ngoài bay qua Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, bà Hoa Xuân Oánh cho rằng cái gọi là “tự do hàng hải” của Mỹ thực chất là dựa vào lực lượng hải quân và không quân mạnh, dựa vào thủ đoạn vũ lực và sự uy hiếp nhằm thúc đẩy chủ trương đơn phương của nước này.
Năm 1979, Mỹ đưa ra “Chương trình tự do hàng hải” ngay trước lễ ký “Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển” (UNCLOS) nhằm bảo vệ tối đa quyền tự do ra vào và hoạt động của quân đội Mỹ ở các đại dương với tư cách của một bên không tham gia UNCLOS.
Theo người phát ngôn, những hành động nói trên của Mỹ đã đe doạ tới trật tự hàng hải mới, cho thấy rõ ràng âm mưu thống trị trật tự hàng hải, chủ nghĩa bá quyền và “chủ nghĩa ngoại lệ” của nước này trong ứng xử với luật pháp quốc tế, thể hiện ở chỗ Mỹ sẽ sử dụng luật pháp quốc tế khi phù hợp với lợi ích và sẵn sàng vứt bỏ khi bất lợi với nước này.
Bà Hoa Xuân Oánh cũng "phản pháo" rằng nước Mỹ nên hành động nhiều hơn với tinh thần xây dựng thực sự để bảo vệ trật tự hàng hải toàn cầu cũng như hoà bình và ổn định trong khu vực./.