Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng

skye |

Trong khi các sản phẩm như đồ mỹ phẩm, sữa bột, thuốc... được bán với giá cao tại Trung Quốc nhưng vẫn luôn khan hiếm hàng, những mặt hàng này lại có thể mua thoải mái ở nước ngoài. Do vậy, dịch vụ mua hàng hộ đã nở rộ đối với cộng đồng người Trung Quốc sống tại nhiều nước khác như Australia, New Zealand...

Từ lâu, mỗi khi các gia đình tại châu Á, đặc biệt là những nước như Trung Quốc, Lào hay Campuchia, có con em đi du học là họ lại nhờ mua cái này, cái nọ khi về nước.

Thức thời là vậy, nhiều cô gái đi du học kiêm luôn làm nghề buôn bán đồ xách tay, hoặc làm dịch vụ chuyên đi mua hàng hộ và mang về nước bán giá khủng.

Trào lưu này ngày càng rộ lên khi tại nhiều nước, nhu cầu cho các sản phẩm sữa bột nhập ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay thuốc ngày càng cao.

Dù bạn có tiền nhưng chưa chắc đã mua được hàng chính hãng nên hàng xách tay luôn được ưu tiên hơn nhiều.

Rika Wenjing là một cô gái 24 tuổi tốt nghiệp đại học ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại công việc chính của cô gái này là lang thang khắp các siêu thị Australia để gom hàng.

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng - Ảnh 1.

Rika Wenjing hiện tại đang làm một Daigou tại Australia.

Một buổi làm việc như vậy của Wenjing, cô sẽ xách về lỉnh kỉnh các món đồ như thức ăn sẵn cho trẻ sơ sinh, các loại vitamin và kem dưỡng da.

Đa phần chúng được mua từ các cửa hàng giảm giá và sau đó được mang về Trung Quốc bán lại với giá cao. Cô đã làm công việc này được hai năm, với vai trò Daigou (đại cấu) - người tư vấn mua hàng thuê.

Với việc giao dịch với khách hàng chủ yếu qua Internet, Wenjing lúc nào cũng phải kè kè chiếc điện thoại và máy tính bảng bên mình. Ngần đấy thời gian làm việc, cô đã có một mạng lưới hơn 300 khách hàng từ Trung Quốc.

Họ là những người sẵn sàng trả giá cao để có được những mặt hàng chất lượng nhập khẩu từ Australia. Chia sẻ về công việc của mình, Rika cho biết:

"Lúc đầu tôi chỉ mua hộ bạn bè và dì sữa bột trẻ em hoặc vài thương hiệu nổi tiếng như bốt lông của hãng Ugg.

Dần dần, tôi muốn xây dựng một trang thông tin với nhiều thông tin để mọi người lựa chọn", Wenjing nói. Với cô gái trẻ, đây không phải chỉ là cách kiếm tiền mà còn giúp bạn bè có những sản phẩm chất lượng.

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng - Ảnh 2.

Bốt lông của hãng Ugg rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.

Với số lượng du học sinh và người lao động Trung Quốc đông đảo tại Australia, có khoảng 40,000 Daigou như thế. Đây là một cách kiếm tiền linh hoạt, giúp họ trang trải tiền thuê nhà và học phí đắt đỏ tại đây.

Phần lớn các "phi vụ" buôn bán đều diễn ra tại Sydney, nơi tập trung đông đảo người Trung Quốc. Vì sự tiện lợi của các hãng hàng không nên việc kinh doanh cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Dù chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt các quy định về mua sắm trực tuyến qua biên giới nhưng nhu cầu vẫn không giảm, đặc biệt là các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em, được ví như "vàng trắng" tại Trung Quốc.

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng - Ảnh 3.

Một nửa số sữa bột bán ra tại Australia rơi vào tay các Daigou.

Sau vụ lùm xùm về sữa nhiễm melamine vào năm 2008 làm 6 trẻ tử vong và 300,000 trẻ nhập viện tại Trung Quốc, nhu cầu sữa nhập khẩu ngày càng cao và người dân cũng ý thức hơn về sức khỏe của con em mình.

Tại Trung Quốc, việc mua được sữa công thức chất lượng tốt cũng rất khó khăn nên họ chủ yếu mua trực tiếp từ Australia.

Trong khi các Daigou tại Australia chủ yếu buôn bán các thực phẩm, mỹ phẩm, rượu vang thì các Daigou đang hoạt động ở châu Âu chủ yếu buôn bán các mặt hàng đắt đỏ như túi xách Gucci.

Quy mô của các Daigou cũng đa dạng từ lớn tới nhỏ; từ những bà mẹ đơn thân ở nhà kinh doanh và gửi hàng về Trung Quốc cho tới những công ty lớn hơn với những người hoạt động chuyên nghiệp.

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng - Ảnh 4.

Một Daigou đang mua các sản phẩm chức năng tại siêu thị Australia.

Với các Daigou lâu năm trong nghề, để có được uy tín không phải điều đơn giản khi họ phải thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm của họ là chính hãng, không phải hàng giả và đến từ nhà cung cấp đáng tin cậy.

Người mua hộ thường phát cảnh quay trực tuyến chuyến mua sắm trong siêu thị và những nơi bán mỹ phẩm để chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

So với các Daigou nhỏ, các công ty lớn có thể lập mạng lưới riêng với trang web thương mại điện tử để phân phối chính thức sản phẩm.

Thông thường, họ sẽ tính phí cao hơn 50% so với giá bán lẻ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, dù phải trả mức phí cao hơn như vậy nhưng họ vẫn sẵn lòng để có sản phẩm chất lượng tốt.

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng - Ảnh 5.

Một Daigou chụp lại quá trình mua hàng để có niềm tin từ khách hàng.

Tại khu Yagoona, ngoại ô Sydney, Bob Sun, một sinh viên đến từ thành phố Đại Liên, Trung Quốc thậm chí còn thuê một kho hàng và cùng ba người bạn đồng hương mở rộng kinh doanh. Các sản phẩm của họ chủ yếu là sữa bột, vitamin, kem dưỡng da...

Họ chọn công việc này vì thu nhập khá không kém gì làm tại các nhà hàng. Hơn nữa, thời gian làm việc cũng linh hoạt hơn rất nhiều.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng Daigou, nhiều công ty tại Australia và New Zealand hiện tại còn chủ động hợp tác để tiếp cận với thị trường đông dân và tiềm năng Trung Quốc.

Đây được coi là công việc và những thỏa thuận hợp tác mang lại lợi ích cho cả công ty kinh doanh, Daigou và người dân có nhu cầu mua hàng chất lượng cao tại Trung Quốc.

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng - Ảnh 6.

Bob Sun bên lô hàng sắp chuyển về Trung Quốc.

Trung Quốc: Nở rộ trào lưu mua hàng hộ từ trời Tây, mang về nước bán giá khủng - Ảnh 7.

Kho hàng của Bob Sun và ba người bạn khác tại thành phố Sydney với rất nhiều các sản phẩm sữa bột, kem, thực phẩm chức năng...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại