Mưa lớn gây lở đất và lũ lụt diễn biến nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc trong vài ngày qua. Hàng nghìn người dân đã phải đi sơ tán trong khi giao thông đường bộ đường sắt, đường hàng không bị gián đoạn nghiêm trọng.
Còn tại Nhật Bản, hoạt động cứu hộ mưa lũ đang tiến triển rất chậm do phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc vật lộn với lũ dữ để sơ tán người dân. Ảnh: AFP
Truyền hình Trung ương Trung Quốc ghi lại hình ảnh cho thấy khoảng 24 tỉnh thành của Trung Quốc bị ngập lũ cùng với nước sông dâng cao trong mấy ngày qua.
Gần 100.000 người đã phải sơ tán khi nước lũ đạt đỉnh tại thành phố Trùng Khánh, miền Tây Nam Trung Quốc.
Tại thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, khoảng 9.000 hành khách đang bị mắc kẹt tại sân bay khi khoảng 85 chuyến bay bị hoãn và 15 chuyến khác bị hủy.
Còn tại tỉnh Cam Túc- một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của mưa lũ, các đội cứu hộ đang phải theo dõi sát sao tình hình lở đất tại đây để sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Ước tính mưa lớn gây lở đất đã làm sụt lún khoảng 5 triệu mét khối đất.
Hàng nghìn hộ dân ở hơn 2 nghìn làng mạc của tỉnh Cam Túc sống gần các khu vực sông đã được sơ tán. Mưa lũ và lở đất đã làm ít nhất 14 người chết và ảnh hưởng cuộc sống của gần 1,9 triệu người tại tỉnh này.
Theo giới chức địa phương, nước lũ tại hai con sông Gia Lăng và Dương Tử đã vượt mức cảnh báo ở mức lần lượt là 5,92 mét và 3,78 mét.
Mưa lớn ở vùng thượng nguồn các con sông Gia Lăng, Dương Tử và Giang Phố đã gây ra trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 6 năm qua này.
“Nước lũ gây ngập sâu ở nhiều tuyến phố. Có những nơi tôi cứ nghĩ có thể vượt qua song không thể qua được.
Đã có rất nhiều người hỗ trợ tôi mới có thể đẩy được ô tô vượt qua đoạn đường ngập nước. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của họ”, anh Trương Huy, một người dân cho biết.
Bộ Kiểm soát Khẩn cấp Trung Quốc đã cung cấp các đồ cứu trợ đến những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ ở tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc từ ngày 13/7 vừa qua bao gồm 8.000 lều, 8.000 giường gấp và 50 nghìn áo khoác cùng chăn bông.
Bộ này cũng cử các đội cứu hộ đến khu vực lũ như thành phố Đức Dương, Tứ Xuyên và Định Tây, Cam Túc để phối hợp các nỗ lực giải cứu người dân gặp nạn.
Còn tại Nhật Bản, hoạt động cứu hộ mưa lũ đang tiến triển rất chậm do phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tại thành phố Hiroshima- một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, mưa lớn dẫn đến những trận lở bùn nghiêm trọng đêm 6/7 đã làm 12 người chết và mất tích.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích song vẫn chưa phát hiện các nạn nhân. Lở bùn đã gây ra một vành đai bùn và đất đá trải dài hơn 1.000 mét quanh khu vực nhà có người mất tích.
Tuy nhiên, đất đá cùng với cây đổ và phương tiện bị chôn vùi trong bùn đất khiến việc làm sạch khu vực bùn đất gặp nhiều khó khăn.
“Có khoảng từ 40 đến 50 người nỗ lực tìm kiếm ở khu vực xảy ra lở đất để tìm kiếm người mất tích. Cả cảnh sát, lực lượng phòng vệ thay nhau tìm kiếm ở các khu vực đã được xác định”, một nhân viên cứu hộ cho biết.
Mưa lớn trút xuống các khu vực miền Tây Nhật Bản từ ngày 5/7 vừa qua. Các khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất là 3 tỉnh Hiroshima, Ehime và Okayama.
Một tuần sau khi mưa lớn như trút tại các khu vực phía Tây Nhật Bản đến nay vẫn còn 34 người mất tích.
Ít nhất 619 tòa nhà đã bị phá hủy do lở đất, khoảng 207.000 hộ gia đình vẫn bị cắt nước. Trong khi đó, nhiệt độ đã tăng lên tới hơn 30 độC tại nhiều khu vực ở vùng bị ảnh hưởng bởi đợt thiên tai này.
Thời tiết nắng nóng và vệ sinh không đảm bảo đặt ra những nguy cơ về an toàn sức khỏe của người dân.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hết sức tiến hành các hoạt động cứu hộ, đặc biệt là tìm kiếm những người mất tích với ưu tiên cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng cho những người mất tích.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải hủy chuyến công du Trung Đông và châu Âu theo kế hoạch diễn ra từ ngày 11-18/7 để ở lại trong nước trực tiếp chỉ đạo và giám sát công tác cứu trợ người dân vùng thiên tai.