Trung Quốc muốn gì khi đóng loạt mô hình tàu sân bay, chiến hạm và tiêm kích của Mỹ?

Minh Thu |

Trung Quốc muốn chứng minh năng lực tấn công của dàn vũ khí khi cho đóng loạt mô hình tàu sân bay, chiến hạm và tiêm kích của Mỹ ở trường bắn.

Các chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc cho sản xuất mô hình đóng giả tiêm kích F-35 của Mỹ tại một trường bắn nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh cho thấy, Bắc Kinh đang có thêm những nỗ lực nhằm ngăn chặn Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào vấn đề Đài Loan.

Tạp chí quân sự Kanwa International Journal đưa tin, những bức ảnh vệ tinh gần đây tiết lộ ít nhất 4 chiếc máy bay "giả dạng" tiêm kích F-35 Lighting II của Mỹ đã xuất hiện ở trường bắn Korla của Lực lượng Tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc tại Khu tự trị Tân Cương.

Trung Quốc muốn gì khi đóng loạt mô hình tàu sân bay, chiến hạm và tiêm kích của Mỹ? - Ảnh 1.

Mô hình tiêm kích F-35 của Mỹ nằm ở trường bắn của quân đội Trung Quốc. (Ảnh: Kanwa International Journal)

Ông Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Kanwa International Journal, nhấn mạnh các mô hình tiêm kích F-35 khả năng được dùng làm mục tiêu tấn công trong những cuộc diễn tập của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16 và DF-21C thuộc Lực lượng Tên lửa Trung Quốc. Đây cũng là thông điệp mà Trung Quốc muốn nhắn gửi tới các căn cứ của không quân Mỹ ở Nhật Bản.

Với tầm bắn 1.000 km, DF-16 là một trong những mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của dòng DF. Theo ông Chang, Trung Quốc còn cho triển khai DF-21C có tầm bắn 2.000 km tới phía đông bắc nước này. Đây là chiến thuật mới đưa toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản vào phạm vi tầm ngắm.

"Trường bắn Korla đã được mở rộng trong vòng 2 năm qua, do Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đẩy mạnh thử nghiệm các loại vũ khí có khả năng tấn công mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nhật Bản", ông Chang nhấn mạnh.

"Sự xuất hiện của các mô hình F-35 cùng với hoạt động triển khai tên lửa DF-21C có thể được xem là phản ứng của Trung Quốc trước việc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tăng cường triển khai thêm các tiêm kích F-35B tới các căn cứ ở Iwakuni, trong khi đó Lực lượng Phòng vệ trên Không của Nhật Bản cũng điều thêm tiêm kích F-35A tới căn cứ không quân Misawa", ông Chang nói thêm.

Ông Chang cho hay, những mô hình giống với tiêm kích F-15 Eagle của Mỹ cũng từng có mặt ở trường bắn Korla.

Gần đây nhất, hình ảnh vệ tinh được công ty Maxar Technologies tại Mỹ chụp hồi tháng 10 phát hiện quân đội Trung Quốc còn cho đóng mô hình đóng giả tàu sân bay và 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ ở cơ sở thử nghiệm trong sa mạc Taklamakan thuộc Khu tự trị Tân Cương.

Đáng nói, tàu sân bay và khu trục hạm lớp Arleigh Burke là 2 trong số nhiều tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra ở Tây Thái Bình Dương bao gồm các vùng biển quanh Đài Loan.

Ông Ben Ho, nhà nghiên cứu tại tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng sự xuất hiện của các mô hình tàu chiến và tiêm kích F-35 Mỹ ở trường bắn của Trung Quốc chứng minh Bắc Kinh hiện sẵn sàng thách thức sức mạnh trên không và trên biển của Washington.

Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn cảnh báo Nhật Bản. Bởi trong vòng 5 tuần đầu lên nắm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.

"Nói rộng hơn, thông điệp của Trung Quốc là ngăn chặn mọi sức mạnh từ bên ngoài tham gia vào một cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực", ông Ho nhận định.

Một nguồn tin quân sự tại Bắc Kinh cho rằng, những mô hinh tiêm kích F-15 được sản xuất là để thử nghiệm năng lực tấn công trên mặt đất đối với Lực lượng Tên lửa Trung Quốc. Hành động này còn được xem là lời cảnh báo của Trung Quốc với các nước có quan điểm ủng hộ Đài Loan.

"Mục tiêu hàng đầu của hoạt động huấn luyện không phải chứng minh năng lực hành động, mà là gửi thông điệp cảnh báo tới các lực lượng nước ngoài có ý định can thiệp vào vấn đề Đài Loan", nguồn tin tiết lộ.

Ông Chang nói thêm, hoạt động triển khai và huấn luyện gần đây của Trung Quốc còn cho thấy Bắc Kinh thực sự nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị năng lực ngăn chặn, nếu không may bùng nổ xung đột.

Ông Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân ở thành phố Cao Hùng của Đài Loan, cho rằng Lực lượng Tên lửa của quân đội Trung Quốc đang nối lại những cuộc thử nghiệm với dàn tên lửa đạn đạo chống hạm.

"So với các cuộc thử nghiệm trước đây cùng với kích cỡ các mô hình tàu chiến, hình ảnh vệ tinh cho thấy ở thời điểm hiện tại, quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh đánh giá năng lực tấn công vào những tàu chiến có tính cơ động cao và cỡ nhỏ", ông Lu nói.

Cũng theo ông Lu, "Qua phân tích tầm bắn ở các khu thử nghiệm của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc tại khu vực Nội Mông và tỉnh Cam Túc, Trung Quốc đang cho phóng thử các tên lửa có tầm bắn hơn 2.500 km. Tầm bắn này không chỉ với tới dàn chiến hạm Mỹ, mà còn cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở Yokosuka và Guam".

Nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết, "Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy quân đội Trung Quốc có đủ năng lực để tấn công chính xác các tàu chiến trên biển và căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho triển khai một số cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm. Gần đây nhất là hồi tháng 8/2020, một chiếc tàu được sử dụng làm mục tiêu nhắm bắn trong cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị 2 tên lửa DF-21D vốn được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay" phóng từ tỉnh Thanh Hải và Chiếu Giang bắn trúng.

Bản báo cáo của Lầu Năm góc về quá trình phát triển quân sự của Trung Quốc cũng nhấn mạnh, hồi tháng 7/2019, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã cho phóng 6 tên lửa DF-21D có tầm bắn khoảng 1.800 km ở Biển Đông trong môt cuộc tập trận bắn đạn thật.

Ngoài DF-21D, quân đội Trung Quốc còn có tên lửa DF-26 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và được biết tới với tên gọi "sát thủ diệt Guam". DF-26 có tầm bắn 4.000 km và có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc

Phân tích hình ảnh vệ tinh được chụp từ ngày 18/9 – 23/10, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng Trung Quốc đang dần hoàn thiện tàu sân bay Type 003 tại nhà máy đóng tàu Giang Nam thuộc thành phố Thượng Hải. CSIS nhận định, Trung Quốc có thể hạ thủy tàu sân bay thứ ba Type 003 và là tàu sân bay nội địa thứ hai trong vòng 3 – 6 tháng tới.

Trung Quốc muốn gì khi đóng loạt mô hình tàu sân bay, chiến hạm và tiêm kích của Mỹ? - Ảnh 3.

Tàu sân bay thứ 3 Type 003 của Trung Quốc được dự báo hạ thủy trong 3 - 6 tháng tới. (Ảnh: Weibo)

Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông. Tuy nhiên, khác với Liêu Ninh và Sơn Đông, Type 003 dùng công nghệ phóng máy bay tiên tiến hơn và tương tự như hệ thống trên tàu sân bay Mỹ. Điều này cho phép Trung Quốc phóng nhiều loại máy bay hơn.

Song cả 3 tàu sân bay của Trung Quốc đều không sử dụng năng lượng hạt nhân. Hiện quá trình thiết kế tàu sân bay thứ 4 dùng năng lượng hạt nhân đang được triển khai tại Trung Quốc.

Kích cỡ của Type 003 gần tương đương với lớp tàu Kitty Hawk của Mỹ. Dù được đánh giá còn khoảng 3 – 6 tháng nữa là được hạ thủy, song tàu Type 003 sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật và phải mất thêm vài năm thử nghiệm trước khi có thể đi vào hoạt động và đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân Trung Quốc.

Trong bản báo cáo thường niên được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tuần trước, tàu sân bay Type 003 được dự đoán sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại