Trong tuyên bố đưa ra hôm 22/11, Chiến khu miền Nam Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh điều một nhóm tàu quân sự để xác định và giám sát tàu Mỹ , đồng thời cảnh báo các chiếm hạm này rời đi.
"Gần đây, Mỹ sử dụng cái cớ tự do hàng hải để thường xuyên gửi tàu chiến tới Biển Đông gây rắc rối. Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt loại hành vi khiêu khích, mạo hiểm này để ngăn chặn các sự cố không lường trước", tuyên bố cho hay.
Hôm 20/11, tàu chiến đấu ven biển Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn (Mischief Reef), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một ngày sau, tàu khu trục Wayne E. Meyer thực hiện hải trình vô hại gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Chỉ huy Reann Mommsen, phát ngôn viên Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, nói với Reuters.
"Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc duy trì tự do và các quyền sử dụng hải phận, không phận một cách hợp pháp với tất cả các quốc gia", phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Reann Mommsen khẳng định.
Giới quan sát nhận định động thái mới nhất của Washington là thông điệp thách thức những tuyên bố phi lý tại Biển Đông cũng như tham vọng quân sự hóa vùng biển này của Trung Quốc, điều sẽ khiến quan hệ hai nước tiếp tục leo thang căng thẳng liên quan tới các vấn đề như tranh chấp thương mại, Hong Kong.
Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới. Hải quân Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện các hành động tương tự.