Tàu vũ trụ Thần Châu-16 ghép nối thành công với module Thiên Hà trên Trạm vũ trụ Thiên Cung, ngày 30/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Thông tin trên được Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) đưa ra ngày 4/10 tại Hội nghị ngành du hành vũ trụ quốc tế lần thứ 74, diễn ra tại Baku, Azerbaijan.
Cụ thể, CAST cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng trạm vũ trụ Thiên Cung từ 3 module hiện nay lên thành 6 module. Sau khi mở rộng, Thiên Cung nặng 180 tấn, chỉ bằng 40% khối lượng của ISS, có thể tiếp nhận thêm nhiều phi hành gia hơn.
Theo CAST, thời gian hoạt động của trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ là hơn 15 năm, lâu hơn so với ước tính 10 năm được công bố trước đó.
Trước đó, Wang Xiang, chỉ huy hệ thống trạm vũ trụ tại CAST từng cho biết việc mở rộng Thiên Cung sẽ tạo nhiều không gian hơn cho các phương tiện cập bến, môi trường rộng rãi, thoải mái hơn cho phi hành đoàn, nhiều không gian hơn cho các thí nghiệm khoa học, cả bên trong lẫn bên ngoài trạm.
Trạm vũ trụ Thiên Cung đi vào hoạt động hoàn chỉnh từ cuối năm 2022, có thể tiếp nhận cùng lúc tối đa 3 phi hành gia và hoạt động ở độ cao quỹ đạo 450 km (280 dặm) so với bề mặt Trái đất. Trong khi đó, ISS đã vận hành hơn 20 năm trong quỹ đạo và dự kiến sẽ ngừng hoạt động sau năm 2030.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, khám phá không gian vũ trụ. Thiên Cung được coi là biểu tượng cho sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực này.