Trung Quốc ‘không chắc’ bao nhiêu lính chết trong vụ đụng độ với Ấn Độ

Anh Minh |

Bao nhiêu binh sĩ của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thiệt mạng trong cuộc đối đầu với Quân đội Ấn Độ tại Thung lũng Galwan vào ngày 15 tháng 6 năm ngoái? Có phải là bốn? Hay chín? Hay 14?

Một binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại căn cứ ở Thấm Dương, Hà Nam, Trung Quốc

Một binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại căn cứ ở Thấm Dương, Hà Nam, Trung Quốc

Có vẻ như ngay cả PLA cũng không thực sự chắc chắn.

Trong các cuộc đàm phán ở các cấp độ khác nhau với Ấn Độ, các quan chức Trung Quốc, vào những thời điểm khác nhau, một cách không chính thức, đã đưa ra những con số mâu thuẫn về thương vong của phía Trung Quốc trong cuộc đụng độ ở Galwan, các nguồn tin \quốc phòng và an ninh nói với The Print, một tờ báo điện tử Ấn Độ.

Các con số - được chia sẻ một cách không chính thức, đặc biệt là trong các cuộc trò chuyện vào giờ giải lao trong các phiên đối thoại - dao động từ 5-14, ngay cả khi Trung Quốc công khai nói có bốn trường hợp tử vong cho đến nay.

Các nguồn tin nói, trái ngược với nhận định ban đầu, phía Ấn Độ đông người hơn PLA trong sự việc ở Thung lũng Galwan. Trong thực tế Trung Quốc gọi viện binh đến vào ban đêm.

Mặc dù phía Ấn Độ không có con số cụ thể về số người Trung Quốc thiệt mạng, nhưng ước tính của họ là PLA đã mất 25 - 40 lính, trong đó có ít nhất một sĩ quan.

Cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan đánh dấu lần đầu tiên sau 45 năm binh lính thiệt mạng trong một cuộc đụng độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. 20 người của Quân đội Ấn Độ, bao gồm một đại tá, đã chết trong trận đối đầu.

Kể từ khi Ấn Độ và Trung Quốc tuân theo thỏa thuận cấm nổ súng theo thỏa thuận năm 1996, Trung Quốc đã sử dụng vũ khí thô sơ, ví dụ các cây gậy gắn đinh, trong cuộc đụng độ. Sau vụ việc ở Thung lũng Galwan, binh lính Ấn Độ được phép nổ súng để tự vệ.

Tháng 9 năm ngoái, có tin nói, phía Trung Quốc nói với phía Ấn Độ rằng 5 binh sĩ PLA, trong đó có một sĩ quan chỉ huy, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ. Vào thời điểm đó, một quan chức Ấn Độ đã nói với ThePrint rằng: “Nếu người Trung Quốc nói năm, chúng ta nên tăng gấp đôi nếu không muốn nói là nhân ba”.

Tuy nhiên, những tiết lộ mới nhất cho thấy Trung Quốc đưa ra những con số khác nhau vào các thời điểm khác nhau, với một ước tính có 14 người chết ở phía PLA.

Theo các nguồn tin, cả hai bên cố gắng tìm kiếm thêm thông tin từ nhau trong các cuộc trò chuyện, đặc biệt là trong thời gian giải lao.

“Người Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nói về con số thương vong (trong các cuộc đàm phán song phương), ngoại trừ một lần, trong cuộc nói chuyện cấp cao hơn rằng họ cũng đã mất một sĩ quan cấp tá”, một nguồn tin cho biết.

Một nguồn tin khác cho biết, “Trong các cuộc đàm phán, có nhiều nhóm phụ tá được thành lập để tiến hành các cuộc đàm phán. Trong các cuộc trò chuyện, một quan chức Trung Quốc từng nói rằng họ bị thương vong 5 người. Một lần khác, một người khác tuyên bố chín, và con số này đã tăng lên đến 14 trong một khoảng thời gian”.

Các nguồn tin cho biết không rõ liệu nhiều số liệu được đưa ra vào các thời điểm khác nhau có phải là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm gây nhầm lẫn cho phía Ấn Độ hay không.

“Thực tế là người Trung Quốc đã bị thương vong. Đến bây giờ, sau vài tháng, họ mới chấp nhận cái chết của bốn người lính. Hãy nhớ rằng họ đã vinh danh bốn người lính và không đưa ra con số thương vong toàn bộ”, một nguồn tin thứ ba cho biết.

Nguồn tin đề cập việc Trung Quốc vinh danh 5 binh sĩ - 4 người trong số họ đã qua đời - vào ngày 19/2, 8 tháng sau cuộc đụng độ.

Tám tháng sau cuộc đụng độ, một bức tranh rõ ràng hơn về hoàn cảnh của cuộc đối đầu dần hiện lên.

Các nguồn tin cho biết, cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan bắt đầu vào lúc hoàng hôn vào ngày 15/6 và kéo dài suốt đêm. Các nguồn tin cho biết thêm, chỉ đến sáng hôm sau, cuộc đụng độ mới dừng lại và cả hai bên kéo nhau trở lại và thu hồi những người bị thương.

Một số binh sĩ Ấn Độ đưa ra những tường thuật sống động về cuộc chiến đấu mà họ đã tham gia và cách họ gây thương vong cho phía Trung Quốc.

“Trời tối và hoàn toàn có sự nhầm lẫn. Đã có một trận chiến tay đôi dữ dội diễn ra trong bóng tối. Những người lính Ấn Độ mang theo gậy bằng sợi và người Trung Quốc mang theo một số vũ khí thô sơ”, một trong những nguồn tin được trích dẫn ở trên cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại