Theo CNN, chiếc máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã bay 5.000km trên các bãi đá và đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Chiếc máy bay do thám phát hiện một sự hiện diện quân sự lớn của Trung Quốc trên các thực thể này, rồi một thành viên CNN đi theo chiếc P-8A ghi nhận có ít nhất 6 tín hiệu cảnh cáo của lực lượng Trung Quốc vốn tuyên bố ngang ngược rằng khu vực này là “một phần trong toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.
Theo CNN, có một giọng nói: “Rời khỏi đây lập tức, và cẩn thận, phải tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào”.
Phi công của chiếc P-8A cũng phản ứng lại sau từng câu tuyên bố của Trung Quốc: “Đây là máy bay hải quân Mỹ hoạt động quân sự hợp pháp ở không phận quốc tế, không đi vào không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào”. Ông cũng nói máy bay Mỹ thực hiện các quyền mà sự tuân thủ luật pháp quốc tế cho phép.
Theo CNN, chiếc P-8A bay trên các đá Xubi, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc ngang ngược chiếm và xây cơ sở quân sự.
Hải quân Mỹ cho biết phát hiện 86 tàu ở đá Xubi và phát hiện nhà chứa máy bay, một đường băng và một trạm radar lớn ở đá Chữ Thập. Mỹ không phát hiện bất kỳ tên lửa nào, nhưng ghi nhận vài cơ sở có thể che giấu số tên lửa này.
Hải quân Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc lén lút dàn tên lửa phòng không HQ-9B, tên lửa chống hạm YJ-12B và phuiơng tiện chiến tranh điện tử trên các đá Xubi, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
Theo Newsweek, quần đảo Trường Sa không chỉ là một vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông, mà còn có nhiều nguồn dầu khí chưa khai thác.
Hồi tháng 5, Trung Quốc lần đầu tiên cho máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể mang đầu đạn hạt nhân tập cất-hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Đó là nơi duy nhất có đường băng đủ dài để chiếc H-6K hạ-cất cánh. Tờ Daily Beast nêu chiến đấu cơ Trung Quốc từng hạ cánh ở đây, nhưng lần này là chiếc H-6K và tờ báo Mỹ gọi là “B-52 của Trung Quốc”.
Ngay sau đó, hải quân Mỹ hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế Vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC) vốn vừa kết thúc tuần qua.