Trung Quốc "hô biến" máy bay cũ thành tiêm kích tàng hình như thế nào?

QS |

Nếu những đột phá mà Trung Quốc tuyên bố đạt được là thật thì lực lượng 1.700 máy bay quân sự của họ sẽ được nâng cấp đáng kể.

"Áo choàng tàng hình"

Theo National Interest, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang nỗ lực phát triển "áo choàng tàng hình", có khả năng biến máy bay thế hệ cũ thành các chiến đấu cơ tàng hình.

Chiếc "áo choàng" này bao gồm một lớp phủ siêu vật liệu, được cấu thành từ các cấu trúc vi mô, có khả năng "bẻ cong" ánh sáng hoặc bức xạ điện từ để giúp máy bay tránh bị radar phát hiện.

Tờ South China Morning Post cho biết, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Đông Nam (Trung Quốc) đang thử nghiệm siêu vật liệu mới trên máy bay tại một cơ sở sản xuất quân sự ở Shenyang, tỉnh Liaoning.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực đầu tư vào các siêu vật liệu và phòng thí nghiệm Đại học Đông Nam đã đạt được một số bước đột phá lớn trong lĩnh vực này - trong đó cho ra đời các siêu vật liệu đầu tiên có thể lập trình, cho phép thay đổi thuộc tính vật lý của chúng bằng điện.

Trung Quốc hô biến máy bay cũ thành tiêm kích tàng hình như thế nào? - Ảnh 1.

Một nhà khoa học đang đưa tấm siêu vật liệu vào máy. (Ảnh: CCTV)

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất theo đuổi công nghệ đó. Mỹ và một số quốc gia phương Tây cũng đang tích cực nghiên cứu các siêu vật liệu trong hơn 1 thập kỷ qua để ứng dụng trong cả lĩnh vực quân sự và thương mại.

Hiện không rõ chính xác các nhà khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ hay khả năng mới nào trên máy bay quân sự.

Trước đó, một nhóm nghiên cứu đến từ phòng thí nghiệm Đại học Đông Nam, do Giáo sư Cui Tiejun dẫn đầu, từng tuyên bố đã tạo ra được một thiết bị có khả năng không bị sóng vô tuyến ở 3 băng tần phổ biến nhất (loại được sử dụng cho radar quân sự) phát hiện.

Gần đây, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Cui còn tuyên bố đã phát triển một "thiết bị ảo giác ma", khiến radar gần như không thể phát hiện ra máy bay.

Thậm chí, thiết bị này được giới thiệu là có khả năng đánh lừa radar, bằng cách khiến chúng nhầm các bộ phận trên máy bay là những mảnh nhựa, thay vì kim loại hoặc tạo ra nhiều máy bay ảo giác, ngoài chiếc máy bay thật.

Phóng sự của CCTV về dây chuyền sản xuất siêu vật liệu tại Trung Quốc

Những thách thức với Trung Quốc

Dù Trung Quốc đang nghiên cứu công nghệ nào đi nữa thì việc ứng dụng siêu vật liệu vào lực lượng 1.700 máy bay quân sự của họ có thể giúp chúng được nâng cấp đáng kể. Ngoài tiêm kích thế hệ 5 J-20, phần lớn lực lượng không quân Trung Quốc là các máy bay thế hệ cũ mua từ Nga hoặc các phiên bản sao chép nội địa.

Tuy nhiên, để một chiếc máy bay trở nên tàng hình thì Trung Quốc cần nhiều hơn lớp phủ siêu vật liệu.

Theo Han Yiping, Giám đốc chương trình vật lý ứng dụng tại một viện nghiên cứu kỹ thuật quân sự của Trung Quốc, để qua mặt được radar, các máy bay tàng hình phải ứng dụng một số công nghệ, trong đó có thiết kế khí động học với tiết diện phản xạ radar thấp và lớp phủ bằng các phân tử được ion hóa.

Ngoài ra, các tiêm kích tàng hình còn cần được trang bị động cơ được thiết kế chuyên biệt, giúp hạn chế tối thiểu độ bộc lộ radar.

Sản xuất siêu vật liệu ở mức lớn cũng là một thách thức khác đối với Trung Quốc. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ.

Mặc dù các máy bay thế hệ cũ của Trung Quốc chưa thể được trang bị lớp phủ tàng hình trong tương lai gần nhưng siêu vật liệu có thể được sử dụng trong một số bộ phận của chúng để nâng cao khả năng liên lạc, cảm biến và gây nhiễu.

Trung Quốc hô biến máy bay cũ thành tiêm kích tàng hình như thế nào? - Ảnh 3.

Trung Quốc có thể sử dụng siêu vật liệu để nâng cao khả năng hấp thụ sóng radar của J-20

Hồi tháng Ba, truyền thông Trung Quốc thông báo một phòng thí nghiệm của nước này đã sản xuất được hơn 9.000 m2 siêu vật liệu một năm, phần lớn dùng cho J-20.

Peter Singer, chuyên gia chiến lược tại tổ chức New American Foundation tin rằng các siêu vật liệu sẽ được Trung Quốc sử dụng để nâng cao khả năng hấp thụ sóng radar của J-20 và cải thiện chức năng của an-ten trong hệ thống radar trên máy bay.

"Các an-ten siêu vật liệu có thể tăng cường năng lượng được bức xạ, cho radar có phạm vi quét rộng hơn và chính xác hơn, cũng như nâng cao khả năng gây nhiễu và liên kết dữ liệu" - Singer giải thích.

"Bên cạnh đó, các siêu vật liệu được tối ưu hóa cho bức xạ hồng ngoại còn có thể làm tăng độ nhạy bén của các cảm biến hồng ngoại trên J-20, giúp nâng cao khả năng theo dõi tên lửa và máy bay".

Trong khi đó, các siêu vật liệu được thiết kế đặc biệt để hấp thụ sóng radar có thể được sử dụng trong một số bộ phận trên máy bay, khiến cho sóng radar phản xạ ngược trở lại máy bay đối phương - chẳng hạn như ở cửa khoang vũ khí hoặc vòi phun động cơ.

Mặc dù vẫn cần phải chờ xem tuyên bố của Trung Quốc về những đột phá trong lĩnh vực chế tạo siêu vật liệu và năng lực sản xuất chúng có chính xác hay không nhưng có thể thấy rõ ràng một điều: Siêu vật liệu sẽ là một thành phần quan trọng đối với tương lai của ngành hàng không quân sự Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại