Trung Quốc đốt tiền cũng không đấu lại Mỹ

Thành Minh |

Trung Quốc đang dùng tiền để lôi kéo các nước trong khu vực nhưng không có bằng chứng cho thấy Mỹ đã mất kiểm soát.

Cà rốt kiểu Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục dùng chính sách ngoại giao đầy mùi tiền bạc để lôi kéo các nước, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Trong thời gian rất ngắn vừa qua, lãnh đạo nhiều quốc gia trong khu vực đã tới thăm Trung Quốc và kèm theo đó là những thỏa thuận hợp tác nhiều tỷ USD.

Giới phân tích Trung Quốc hân hoan cho rằng nước này đã đạt được hiệu quả lan tỏa trong khu vực bằng những thành công với Philippines và Malaysia.

Họ thỏa mãn rằng trong vòng vài tuần lễ, Bắc Kinh đã thể hiện một sức hút đầy toan tính, đó là dùng tiền để "tấn công" tại châu Á, lôi kéo các nước vốn là các đồng minh trung thành của Mỹ trở nên lung lay, xa rời quỹ đạo của Washington.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng “tại thời điểm này, các củ cà rốt đang được đưa ra và những chiếc gậy thì được Trung Quốc cất giấu ở sau lưng bởi vì Trung Quốc đang muốn thử xem họ có thể kéo các nước này ra khỏi quỹ đạo bao xa”.

Mỹ vẫn trên cơ

Thế nhưng Finacial Times bình luận rằng không có gì chứng minh Mỹ đã mất kiểm soát tình hình. Giới phân tích tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực sự trong chính sách ngoại giao Trung Quốc.

Ông Duterte đã bị Mỹ chỉ trích về chiến dịch chống ma túy tại Philippines của ông. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia đã bị đụng chạm khi Bộ Tư pháp Mỹ quyết định điều tra quỹ 1MDB, một quỹ có nợ xấu của nhà nước Malaysia. Trung Quốc đã cứu quỹ này bằng cách mua lại một số món nợ của nó.

Tại Thái Lan, những tướng lĩnh cầm quyền đã quay sang Trung Quốc và quay lưng lại với Mỹ sau khi Washington chỉ trích cuộc đảo chính của họ hồi năm 2014.

Nhưng dự án chung gây chú ý giữa hai nước là dự án xây dựng đường sắt cao tốc nối từ thành phố phía Nam của Trung Quốc, Côn Minh, đến Thái Lan đã bị dừng lại do liên quan đến vấn đề chi phí và khả năng thực tế của kế hoạch này.

Nhà nghiên cứu Tang Siew Mun của Singapore cho rằng sự quay sang Trung Quốc không phải là sự “xoay trục” bất ngờ mà đó là "một hiện tượng chiến lược tự nhiên" có từ thời kết thúc Chiến tranh Lạnh.

cho rằng thật sai lầm khi gắn cho Malaysia và Philippines mác "ủng hộ Trung Quốc" và việc "bớt thân thiện" với Mỹ là do bởi những thỏa thuận gần đây.

Financial Times cho rằng khi Trung Quốc chơi trò chơi địa chính trị ngày càng tốt hơn, thì các nước láng giềng của Trung Quốc cũng biết cách chơi với Trung Quốc hơn. Chưa chắc Trung Quốc có thực sự là bên thu được nhiều lợi ích thực sự trong các cuộc chơi.

Cho đến nay ông Duterte đã có được những lời hứa viện trợ của Trung Quốc trong khi chưa hề từ bỏ bất cứ một thỏa thuận chiến lược nào với Mỹ. Đây có thể là một chiến lược của Tổng thống Philippines.

Chính chuyên gia Shen Dingli, đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã nhận xét việc ông Duterte đàm phán với Trung Quốc không thể xóa được “thất bại lịch sử” mà Bắc Kinh đã phải chịu từ phán quyết của Tòa Trọng tài và việc Trung Quốc chấp nhận ngư dân của Philippines quay trở vùng biển lại chính là thành công của ông Duterte.

Thực tế ông Duterte không phải đưa ra nhượng bộ thực sự nào.

Chuyên gia Carl Thayer của Australia cho rằng "gần như là sự thật đối với tất cả các nước: họ thu lợi nhuận và lợi ích từ mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng không bao giờ tự mình đưa ra sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc".

Một hoài nghi khác được đặt ra đối với chính sách ngoại giao tiền bạc của Trung Quốc nằm ở chính nền kinh tế nước này. Trong khi các nước đang chú ý khai thác túi tiền của Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng, việc bùng nổ xây dựng của Trung Quốc đang chậm lại.

Việc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng dịch vụ khiến các hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc từ các quốc gia Đông Nam Á đảo chiều khi giảm 6,5% trong năm ngoái.

Mỹ hiện vẫn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng hơn tại ASEAN. Năm ngoái, đầu tư của Mỹ vào khu vực là 13,6 tỷ USD tăng gần gấp đôi so với mức của năm 2013, và nhiều hơn Trung Quốc là 8,3 tỷ USD.

Campuchia cũng vẫn duy trì những mối quan hệ với Mỹ vì những lý do chiến lược và tài chính.

Cảnh giác không thừa

Ngoài những thực tế trên, các nước trong khu vực luôn có sự cảnh giác đối với Trung Quốc, chưa kể đến tâm lý không ưa Bắc Kinh ở nhiều nơi. Giới phân tích nhận ra một chiến lược mang tính chu kỳ của Trung Quốc là sau mỗi đợt chèn ép, Bắc Kinh lại thi hành chính sách "ve vãn" hoặc ngược lại.

Kể từ kỳ đại hội lần thứ 18 năm 2012, Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình đã lặng lẽ thúc đẩy một chính sách đối ngoại mà các chuyên gia cho rằng từ bỏ cách tiếp cận "giấu mình chờ thời" của thời đại Đặng Tiểu Bình.

 Trung Quốc đốt tiền cũng không đấu lại Mỹ  - Ảnh 2.

Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên Biển Đông

Một ví dụ được tờ Financial Times nêu ra là hồi năm 2014, Trung Quốc đã bộc lộ một chiến lược mới trong mối quan hệ với 10 nước ASEAN, nhưng 7 tháng sau đó, Trung Quốc lại đem giàn khoan dầu vào vùng biển của Việt Nam.

Bắc Kinh sau đó tuyên bố năm 2015 là năm hợp tác hàng hải ASEAN-Trung Quốc nhưng lại đẩy mạnh nỗ lực xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông với việc hoàn thành 3.300 mét đường băng.

Đối với Philippines, Trung Quốc đã tìm cách làm giảm bớt sức mạnh của phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay bằng một chiến lược câu giờ với những tuyên bố kiểu "gác lại những tranh cãi để cùng nhau phát triển". Giới phân tích gọi đây là cách Bắc Kinh cố gắng giảm bớt những phản đối dành cho Trung Quốc.

Tiếp sau chính sách ngoại giao gây cảm tình bằng tiền của Trung Quốc, gần như chắc chắn sẽ là những hành vi bá quyền của nước này, đặc biệt ở Biển Đông.

Vấn đề chính của Mỹ là chính quyền mới ở nước này sẽ phải thuyết phục các đồng minh đang hoài nghi rằng Mỹ vẫn đang chú trọng vào châu Á, mặc dù có những phân tâm do các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Ukraine, cũng như việc lôi kéo cử tri Mỹ trong lúc tranh cử bằng những quan điểm "nước Mỹ biệt lập" của Donald Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại