Airbus "cắt máu"
Airbus vừa đau đớn tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng sa thải từ 780 tới 1.000 nhân sự "cổ cồn trắng" nhằm vực lại sức mạnh của Tập đoàn công nghiệp hàng không và quốc phòng số 1 châu Âu theo kế hoạch tái cơ cấu khổng lồ, tờ Nhật báo Les Echos tiết lộ hôm thứ Tư vừa qua.
Theo Hiệp đội thương mại CFTC, khoảng 400 trong tổng số 750 nhân sự phải dứt áo ra đi thuộc lĩnh vực sáng chế công nghệ, bao gồm các nhà hoạch định, trình diễn công nghệ, nghiên cứu triển khai. Đó chưa phải là con số cuối cùng khi mà trong kế hoạch còn có dự kiến tổng số người bị sa thải có thể lên tới 780.
Tờ Les Echos còn dẫn nguồn tin từ AFP cho rằng sẽ có 1.000 nhân sự máu thịt của Airbus phải ra đi. Kế hoạch thay máu trong lĩnh vực phát minh sáng chế được thực hiện theo chủ trương của Paul Eremenko, tân Giám đốc phụ trách lĩnh vực công nghệ sau khi ông thay thế chức vụ của người tiền nhiệm kể từ hôm 01/07/2016.
Được biết, Eremenko là một kỹ sư hàng không và không gian vũ trụ, trước đó đã từng kinh qua các chức vụ thuộc hàng siêu VIP ở những cơ quan, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu thuộc Bộ quốc phòng Mỹ, các tập đoàn Google và Motorola.
Bên cạnh đó, bộ phận truyền thông của Airbus cũng phải nhận quả đắng với khoảng 100 trong tổng số 380 người sẽ bị sa thải.
Một phát ngôn viên của Airbus đã từ chối bình luận về những thông tin cắt giảm nhân sự vừa được "tung hê" kể trên khi nói "Công ty đang thảo luận với các hội đồng, hiệp hội công nghiệp và sẽ tiếp tục trong những ngày tới".
Airbus A-380 (phía sau) "ăn" A-319!
Hy vọng con số cuối cùng sẽ được chấp thuận và công bố vào cuối năm nay, tuy thuộc vào kết quả đàm phán giữa các hội đồng, hiệp hội với ban lãnh đạo, một quan chức cao cấp của Airbus cho biết.
Antoine Boivin-Champeaux, nhà phân tích thuộc hãng môi giới chứng khoán Natixis cho rằng: "Đây là một phần trong kế hoạch của Tom Enders - Tổng giám đốc điều hành của Airbus, nhằm đưa Tập đoàn tiến nhanh, tiến xa hơn, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chi phí. Kế hoạch tái cấu trúc sẽ được thực hiện rốt ráo, kể cả phải kéo dài hơn so với dự tính".
Trong số các vị trí khác bị cắt giảm sẽ có chừng 75 người trong tổng số 243 nhân sự thuộc Bộ phận quan hệ công chúng và chiến lược quốc tế, qua đó tiết giảm chi phí được 36 triệu Euro (tương đương 38 triệu USD), ông Marwan Lahoud - Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực này cho biết.
6 văn phòng khu vực sẽ được tập trung về 1 phòng quốc tế duy nhất, báo cáo trên cho biết. Sẽ có thêm chừng 120 nhân sự thuộc lĩnh vực an ninh máy tính và không gian mạng bị cắt giảm ở Toulouse và Marignane (Tây Nam nước Pháp); Suresnes, gần Thủ đô Paris; và Ottobrun, miền nam nước Đức.
Đại bản doanh của Airbus hiên nay đóng tại Toulouse, nơi Tập đoàn công nghiệp hàng không xây dựng, triển khai và điều phối các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Khoảng 75 trong 370 người thuộc Bộ phận Pháp chế và duy trì kỷ luật sẽ buộc phải rời nhiệm sở, qua đó cắt giảm được thêm 11 triệu Euro. Bộ phận quản lý nhân sự cũng sẽ có người bị sa thải. Việc cắt giảm nhân sự này được cho là sẽ bắt đầu triển khai và có hiệu lực ngay trong nửa đầu năm 2017.
Trước đó, vào tháng 9/2016, Tập đoàn Airbus tuyên bố sẽ sáp nhập các công ty thành viên để chỉ còn 1 tên gọi duy nhất là Airbus, với hiệu lực thi hành bắt đầu từ 01/01/2017.
Việc thay đổi nhận diện về tên thương hiệu - quy về một mối, cùng với việc cắt giảm nhân sự, sẽ giúp gắn kết chặt chẽ hơn giữa công ty mẹ với 3 bộ phận thành viên gồm: Đơn vị chế tạo máy bay phản lực thương mại Airbus, Đơn vị chế tạo trực thăng Airbus và Đơn vị công nghệ vũ trụ và quân sự Airbus.
Enders sẽ trở thành Tổng giám đốc của Airbus, với cánh tay phải là Fabrice Bregier, người vừa được thăng chức Giám đốc điều hành - vị trí số 2 của Tập đoàn, tờ Les Echos cho biết.
Tiêm kích EF-2000 Euro Typhoon "Made in châu Âu" có sự tham gia rất lớn của Tập đoàn Airbus.
Mỹ - Trump ra đòn hiểm
Trong một diễn biến khác, chính quyền Mỹ đương nhiệm vừa đồng ý trao cho Airbus giấy phép xuất khẩu để bán hơn 100 chiếc máy bay chở khách cho hãng hàng không Iran Air, bất chấp lo ngại của Đảng Cộng hòa rằng Tehran có thể sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Iran đã cắt giảm 6 máy bay trong tổng số 118 chiếc Airbus dự kiến đặt mua với tổng trị giá lên tới ít nhất 27 tỷ USD do Mỹ cố tình trì hoãn việc cấp phép cho thương vụ xuất khẩu này, Reuters cho biết.
Trước đó, Airbus tha thiết đề nghị Washington bật đèn xanh, do Tập đoàn công nghiệp hàng không châu Âu sử dụng một lượng cực lớn linh kiện của Mỹ.
Việc lừng khừng này dường như là một đòn rất hiểm, đã gây không ít khó khăn cho Airbus, bởi đây là đối thủ cứng cựa của hãng Boeing Mỹ khi 2 tập đoàn công nghiệp hàng không hàng đầu thế giới này luôn ở thế đối đầu, cạnh tranh quyết liệt, giành giật từng hợp đồng cả bé lẫn to cho tới siêu khủng.
Tổng hòa tất cả các động thái trên, cộng với tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ tạo điều kiện để các tập đoàn công nghiệp Mỹ, trong đó có hàng không và công nghiệp quốc phòng bùng nổ, đã tạo ra sức ép cực lớn tới phần còn lại của thế giới.
Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ tạo điều kiện cho công nghiệp và công nghiệp quốc phòng Mỹ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Mặc dù Airbus khổng lồ như thế nhưng cũng đã nhận thấy hơi nóng của Trump và Boeing phả rát gáy, buộc phải thay đổi để trở nên mạnh mẽ hơn, để tồn tại trước sức tấn công mãnh liệt từ các tập đoàn công nghiệp Mỹ.
Chưa biết các kế hoạch mà Trump chém tung giời, được các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Mỹ xun xoe đón nhận với sự phấn khích tốt độ, sẽ được thực thi thế nào, nhưng rõ ràng, Airbus đáng được biểu dương khi có những động thái dù đau đớn khi nghẹn ngào sa thải hàng nghìn nhân viên tinh hoa.
Cuộc sống là thế, kinh doanh là thế. Sống hay chết luôn là sự cạnh tranh quyết liệt, hãy chờ xem Airbus sẽ đứng vững và phát triển thế nào trước sức ép vừa công khai, vừa âm thầm của những "thế lực" ở bên kia bờ Đại Tây Dương.