Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang tiếp tục đối chọi nhau vì chiến tranh thương mại và những căng thẳng ở Biển Đông, một Đô đốc Trung Quốc đã đưa ra lời đe dọa táo bạo nhằm phá bỏ lợi thế quân sự hàng đầu của Mỹ - đó là tàu sân bay.
Đây cũng là điều khiến quan chức Mỹ lo ngại trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng.
“Điều mà Mỹ lo sợ nhất chính là hứng chịu thương vong” – Chuẩn Đô đốc La Viện tuyên bố trong cuộc hội thảo kỹ thuật-quân sự 2018 diễn ra vào ngày 20/12/2018, đồng thời nhấn mạnh rằng đánh chìm tàu sân bay có thể khiến 10.000 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
“Chúng ta sẽ xem người Mỹ sợ hãi tới mức nào” – ông La nói.
La Viện - Phó Chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc – có học hàm quân sự, nhưng không trực tiếp chỉ huy trong lực lượng quân đội. Ông ta gây chú ý bởi có tư tưởng diều hâu đối với các vấn đề liên quan tới Mỹ, tương tự như một số quan chức khác đã kêu gọi Bắc Kinh hướng tới lập trường đối đầu nhiều hơn với Washington.
Theo ông La, căng thẳng hiện nay giữa Mỹ-Trung “chắc chắn không chỉ đơn giản là xích mích về kinh tế và thương mại”, mà còn là “vấn đề chiến lược hàng đầu”.
Vị chuẩn Đô đốc cho rằng Mỹ có 5 khía cạnh để Trung Quốc có thể khai thác, bao gồm: quân đội, tiền bạc, tài năng, hệ thống bầu cử và nỗi lo sợ các đối thủ.
Trung Quốc nên “dùng sức mạnh của mình để tấn công vào các thiếu sót của đối phương”, ông La nói, “Tấn công bất cứ chỗ nào đối phương sợ bị đánh trúng và bất cứ điểm nào đối phương yếu thế”.
Theo ông La, các tên lửa hành trình và đạn đạo chống tàu mới của Trung Quốc có khả năng tấn công tàu sân bay Mỹ, bất chấp mạng lưới bảo vệ bao quanh chúng. Hiện Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay.
Khả năng bảo vệ tàu sân bay
Tầm bắn của các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng không, máy bay và tàu chiến của Trung Quốc. Nguồn: CSBA
Trung Quốc đã có nhiều xung đột với các quốc gia láng giềng xung quanh những tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của nước này ở Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông.
Mỹ đã tiến hành các hoạt động trong khu vực để khẳng định quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, những hoạt động đó đã khiêu khích Bắc Kinh, dẫn tới các cuộc chạm trán giữa tàu chiến/máy bay Mỹ với tàu hải quân Trung Quốc.
Làm suy yếu và phong tỏa khả năng hoạt động của Mỹ trong các khu vực trên là một phần quan trọng trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm nghiêng cán cân sức mạnh về phía mình, bằng cách làm lung lay các cam kết về an ninh của Mỹ đối với đối tác.
Chương trình phát triển các loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, cùng các hệ thống phòng không và lực lượng hải quân năng động hơn của nước này đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi về việc Hải quân Mỹ cần làm gì khi hoạt động trong môi trường nhiều tranh chấp – nơi các tàu sân bay của Washington dễ bị tấn công.
Tàu đổ bộ tấn công Boxer bắn tên lửa Sea Sparrow trong cuộc tập trận ở Thái Bình Dương năm 2013. Nguồn: Hải quân Mỹ
Trong bản phân tích do Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) công bố, ông Bryan Clark – thành viên cấp cao tại đây, cho rằng “nếu Hải quân Mỹ theo đuổi các năng lực phòng thủ mà họ nói tới (đang trong quá trình phát triển hoặc đã triển khai) thì họ nên có đủ khả năng để nhanh chóng nâng cao khả năng phòng không của nhóm tác chiến tàu sân bay”.
Hiện tại, theo ông Clark, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang hoạt động cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý, trang bị các phương tiện phòng không như tên lửa đánh chặn, thiết bị gây nhiễu điện từ, vũ khí năng lượng định hướng, và máy bay tuần tra.
Những vũ khí này được kỳ vọng có thể đánh chặn 450 quả đạn đang lao tới, thấp hơn mức 600 quả đạn (mức tối thiểu) mà CSBA dự đoán Trung Quốc có thể bắn tới khoảng cách đó.
“Nếu như chuyển hướng sang các tên lửa đánh chặn tầm ngắn hơn như Evolved Sea Sparrow, thay vì SM-2, sử dụng năng lượng định hướng và đạn siêu vượt âm… Hải quân Mỹ có thể gia tăng năng lực phòng không của nhóm tác chiến tàu sân bay lên mức mà ở đó, chúng có thể đối phó với khoảng 800 quả đạn trong một đợt tấn công loạt của đối phương” - ông Clark nói.
Tàu USS Ronald Reagan tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật với hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx ở biển Philippine năm 2016. Ảnh: Hải quân Mỹ
Những ước tính này đã làm dấy lên nhiều giả thuyết về mức độ hiệu quả của phòng không Hải quân Mỹ và về cách thức Trung Quốc triển khai vũ khí. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, viễn cảnh ở trên sẽ kết thúc khi các loại vũ khí đánh chặn của nhóm tác chiến tàu sân bay cạn kiệt.
Để bù đắp sự cạn kiệt đó và cho phép tàu sân bay duy trì hoạt động lâu hơn tại các vùng biển tranh chấp, theo báo cáo của CSBA, Hải quân Mỹ có thể sử dụng năng lực tác chiến điện từ để khiến đối phương khó ngắm mục tiêu hơn hoặc tấn công máy bay ném bom và các bệ phóng tên lửa của đối phương trước khi chúng kịp khai hỏa.
Song, điều đó vẫn chưa đủ để loại bỏ các tổ hợp tên lửa bờ của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga ngày càng nâng cao năng lực bắn tên lửa hành trình chống hạm từ tàu ngầm thì thành phần và các hoạt động của không đoàn tiêm kích hạm trên tàu sân bay Mỹ cần có sự thay đổi để có thể tác chiến ở cự ly xa hơn và trong môi trường khắc nghiệt hơn.
Quân đội Mỹ đã trở nên yếu đuối
Các thủy thủ trên tàu sân bay Carl Vinson (lớp Nimitz) khi con tàu lên đường thực hiện đợt triển khai tới tây Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ.
La Viện là người mang tư tưởng diều hâu trong các chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tuy nhiên, tuyên bố của ông ta đã minh chứng cho thứ tư tưởng đang ngày càng trở nên phổ biến đối với người Trung Quốc, đó là: Quân đội Mỹ mạnh nhưng không đủ quyết tâm chiến đấu.
“Số lượng người Trung Quốc tin vào điều đó đã lớn hơn nhiều so với mức tôi cho là vừa phải” - Brad Glosserman, chuyên gia tại Đại học Tama (Tokyo) nói với tờ Stars & Stripes khi đề cập tới tuyên bố của ông La.
Nhiều người ở Mỹ sẽ tranh cãi về quan điểm đó. Đây từng là một phần cuộc thảo luận về tương lai tàu sân bay Mỹ tại sự kiện do tổ chức tư vấn Heritage Foundation tổ chức ngày 11/12/2018.
Theo ông Jerry Hendrix, một cựu đại tá hải quân Mỹ, tàu sân bay đã gia tăng về chi phí đóng và trở thành biểu tượng cho “uy thế quốc gia” của Mỹ. Do tầm quan trọng của vai trò này, giới lãnh đạo chính trị Mỹ có lẽ sẽ không muốn để chúng tham chiến.
“Thật không may, nguy cơ rất lớn về một cuộc xung đột đang đến gần nhưng đất nước chúng ta (Mỹ) lại không sẵn sàng hứng chịu tổn thất đối với lực lượng hải quân, cụ thể là các tàu sân bay”, ông Hendrix nói, “Chúng ta cần đưa những phương tiện này trở về đúng địa hạt vũ khí, chứ đừng coi nó như những con kỳ lân thần bí”.