Trung Quốc đã vượt xa Nga về trình độ chế tạo tàu ngầm AIP

Sao Đỏ |

Trong khi Nga còn đang chật vật hoàn thiện lớp Lada thì Trung Quốc đã xuất khẩu tàu ngầm AIP của mình ra thế giới.

Theo Hải quân Hoàng gia Thái Lan, tàu ngầm diesel - điện lớp S26T (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Type 041 Yuan) mà nước này mua từ Trung Quốc xứng đáng đứng đầu về năng lực tác chiến tại khu vực Đông Nam Á.

Theo nhận định, điểm cốt yếu tạo nên sức mạnh cho chiếc S26T là nó có cả động cơ đẩy độc lập với không khí (AIP) lẫn tên lửa hành trình chống hạm siêu âm tầm xa.

Trong khi đó, Kilo 636 của Việt Nam hỏa lực mạnh nhưng lại không có AIP; còn Type 218 SG của Singapore dù cho rất tiên tiến, mức độ tự động hóa cao nhưng vẫn chỉ phụ thuộc vào ngư lôi, khiến tầm bắn bị giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra S26T của Thái Lan còn hoạt động cực kỳ yên tĩnh, kíp điều khiển chỉ cần 38 người so với 70 người của Kilo 636, điều này cho thấy khoảng cách thế hệ giữa hai lớp tàu trên là khá lớn.

Trung Quốc đã vượt xa Nga về trình độ chế tạo tàu ngầm AIP - Ảnh 1.

S26T là tàu ngầm duy nhất tại Đông Nam Á có cả tên lửa diệt hạm lẫn hệ thống đẩy AIP (xanh là có, đỏ là không)

Nhìn thấy sự thành công của Trung Quốc, chắc hẳn người Nga phải cảm thấy chạnh lòng. Mặc dù là nhà cung cấp tàu ngầm cho Bắc Kinh vào thời kỳ đầu của quá trình hiện đại hóa hải quân, những chiếc Kilo 877 từng giữ vai trò nền tảng sức mạnh tác chiến dưới nước của hạm đội Trung Quốc, nhưng hiện tại rõ ràng công nghệ chế tạo của Nga đang bị bỏ lại rất xa phía sau.

Hải quân Nga chỉ có duy nhất một lớp tàu ngầm diesel - điện có trang bị động cơ AIP là chiếc Lada thuộc Dự án 677, nhưng nó bị đánh giá là chưa hoàn thiện sau hơn chục năm chạy thử nghiệm, hệ thống này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng cũng như sự an toàn của kíp điều khiển.

Trung Quốc đã vượt xa Nga về trình độ chế tạo tàu ngầm AIP - Ảnh 2.

Tàu ngầm St Petersburg lớp Lada của Hải quân Nga

Sự chậm chễ của Lada đã khiến người Nga cảm thấy chán nản, họ quyết định sẽ dừng đóng mới lớp tàu này để sang hẳn bản thiết kế khác mang tên Kalina, chỉ còn 2 khung thân Lada đang đóng dở là được tiếp tục hoàn thiện.

Cho dù vậy, dự kiến phải sau nhiều năm nữa (nhanh nhất là sau năm 2020) mới có một tàu ngầm Kalina ra đời, đồng thời chưa có gì khẳng định được hệ thống AIP của nó tốt và ổn định hơn Lada.

Tụt hậu của ngành công nghiệp đóng tàu Nga so với Trung Quốc về công nghệ tàu ngầm AIP (cùng với tàu mặt nước cỡ lớn) phản ánh đúng trình độ phát triển giữa hải quân hai quốc gia vào thời điểm hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại