Trung Quốc có nuốt lời tại hội nghị Đông Á?

Dao Quân |

Hội nghị cấp cao Đông Á tại Lào sắp tới mang ý nghĩa quan trọng vì đây là hội nghị cấp cao Đông Á đầu tiên sau khi có phán quyết trọng tài.

Hội nghị cấp cao Đông Á tại Lào vào tuần tới sẽ chứng kiến các nhà lãnh đạo 18 quốc gia (10 nước ASEAN cùng với Mỹ, Nga, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc) bàn bạc các vấn đề đã được thảo luận tại Malaysia hồi tháng 11-2015.

Hội nghị năm 2015 đã xem trọng biển Đông

Trước thềm hội nghị cấp cao Đông Á năm 2015, một số quốc gia đã thúc đẩy trao cho hội nghị vai trò lớn hơn, giải quyết không chỉ vấn đề khu vực mà cả khủng hoảng và các vấn đề gây quan ngại toàn cầu.

Về điều này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng một hội nghị cấp cao Đông Á mạnh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và an ninh khu vực”.

Trong bài viết đăng trên báo Times of India, chuyên gia S. D. Pradhan thuộc Hội đồng Tình báo hỗn hợp (trực thuộc chính phủ Ấn Độ) ghi nhận điều quan trọng là chủ đề biển Đông đã nhận được quan tâm lớn trong tuyên bố chủ tịch ASEAN 2015 Malaysia đưa ra.

Trong 31 đoạn của tuyên bố có năm đoạn dành để nói về vấn đề tranh chấp biển Đông trong khi chỉ có một đoạn đề cập đến các vấn đề khu vực và toàn cầu khác. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của biển Đông đối với các quốc gia tham gia hội nghị cấp cao Đông Á.

Tuyên bố đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và tự do hàng không, bày tỏ quan ngại với những diễn biến đang xảy ra và khẳng định nhu cầu cấp thiết phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Điều thú vị là một đoạn trong tuyên bố còn trích dẫn lời bảo đảm không theo đuổi đường lối quân sự hóa biển Đông mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9-2015.

Ấn Độ kiên quyết tuân thủ UNCLOS

Ngay sau khi có phán quyết trọng tài, Ấn Độ đã nêu rõ quan điểm. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố (không nhắc đến Trung Quốc) kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Ấn Độ và Mỹ đã cùng ban hành tuyên bố Tầm nhìn chung về biển Đông. Ấn Độ cũng đã ký một tuyên bố “lập trường chung” về vấn đề này sau hội đàm của các ngoại trưởng Nga, Trung Quốc, Ấn Độ vào tháng 4-2016 tại Moscow (Nga).

Mặc dù ngôn từ có vẻ tương tự các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về biển Đông nhưng tuyên bố chung Nga - Ấn - Trung đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Tuyên bố chung kêu gọi tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Về vấn đề này, ba ngoại trưởng mong muốn các bên tôn trọng đầy đủ các quy định của UNCLOS cũng như DOC và hướng dẫn thực thi DOC.

Tại hội nghị bộ trưởng Quốc phòng thường niên Ấn-Nhật ngày 14-7-2016, hai nước đã ra tuyên bố chung một lần nữa thúc giục các bên tuyệt đối tôn trọng UNCLOS.

Quan trọng hơn, tuyên bố chung có câu bày tỏ “quan ngại với diễn biến gần đây” (các hành động của Trung Quốc như đưa máy bay ra các đảo nhân tạo, chỉ trích phán quyết trọng tài, hăm dọa thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông).

Cần một tuyên bố mạnh mẽ và hiệu quả

Tuy không liên quan đến tranh chấp biển Đông, Ấn Độ vẫn luôn kiên quyết nhấn mạnh phải tuân thủ UNCLOS. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ gặp tổng thống Philippines bên lề hội nghị cấp cao Đông Á tại Lào và sẽ bàn đến vấn đề biển Đông.

Báo chí Philippines đang rất quan tâm đến hội nghị Đông Á lần này vì với sự ủng hộ của Ấn Độ, vị thế của Philippines sẽ được tăng cường.

Như các quốc gia khác, Ấn Độ không muốn hiện trạng trong khu vực bị phá hủy. Ấn Độ có vẻ như sẽ gây sức ép lớn hơn để tránh các hành động đơn phương trên biển Đông có thể gây ra căng thẳng khu vực sẽ tiếp tục xảy ra.

Chuyên gia S. D. Pradhan nhận xét sức ép các nước tạo ra để buộc các bên tuân thủ phán quyết trọng tài mạnh mẽ đến mức nào trong một chừng mực nào đó sẽ quyết định đến động thái trong tương lai của Trung Quốc.

Mặc dù cho đến nay Trung Quốc vẫn từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài nhưng nước này đã cho thấy ý muốn đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp biển Đông vì nhận ra rằng không làm vậy sẽ khiến các nước càng không thân thiện với Trung Quốc hơn nữa.

Một tuyên bố mạnh mẽ và hiệu quả tại hội nghị cấp cao Đông Á tại Lào lần này có thể chặn đứng hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo như Trung Quốc đã từng bảo đảm trong hội nghị cấp cao Đông Á lần trước. Ít nhất các quốc gia tham gia hội nghị cấp cao Đông Á tại Lào có cơ hội thực hiện việc này.

Mặc dù Trung Quốc được biết đến như nước luôn không giữ đúng những lời bảo đảm nhưng lần này sẽ rất khó cho Trung Quốc nuốt lời mà không bị xấu mặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại