Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng thời Tổng thống Donald Trump khi nhà lãnh đạo này theo đuổi chiến lược "Nước Mỹ trên hết".
Dù vậy, ngay cả khi nước Mỹ thời ông Trump thường có hướng tiếp cận đơn phương hơn là bắt tay với đồng minh trong việc đối phó Bắc Kinh, Washington cũng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ (gọi là "Bộ tứ kim cương").
Hướng đi đa phương này có thể được thúc đẩy hơn nữa nếu ông Biden được công nhận chính thức thắng cử và vào Nhà Trắng. Ông Biden từng nhấn mạnh Mỹ cần làm việc với các nước khác và việc ông lựa chọn ông Antony Blinken làm ứng viên cho vị trí ngoại trưởng ủng hộ chiến lược này.
Trả lời phỏng vấn đài CNBC hôm 26-11, ông Andrew Gilholm, chuyên gia của Công ty Control Risks nhận định cả Nhật, Ấn Độ và Hàn Quốc đều quan trọng với Trung Quốc về kinh tế. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á lại đang có lập trường khác biệt về Bắc Kinh.
Vì thế, Bắc Kinh đang lo lắng về viễn cảnh Mỹ tăng cường điều phối chính sách Trung Quốc với nhiều nước hơn sau khi kỷ nguyên Trump khép lại và nỗ lực ngăn điều này xảy ra.
Trong khi đó, tạp chí The Diplomat cũng nhận định Washington cần nói không với chiến lược "nước Mỹ trên hết" nếu muốn cạnh tranh được với Trung Quốc. Lý do là chiến lược này có thể cản trở nỗ lực hợp tác giữa Washington và các đồng minh, đối tác nhằm ứng phó Trung Quốc.
Theo bài viết, việc gia tăng tương tác ngoại giao và quân sự của Mỹ trong khu vực đóng vai trò quan trọng đối với bất kỳ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nào hướng tới việc cạnh tranh với Trung Quốc.
Ngoài ra, mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ.
Trung Quốc đã cho thấy họ sẵn sàng sử dụng đòn bẩy kinh tế trong các mối quan hệ song phương. Chẳng hạn như Úc đối mặt sự trả đũa vì kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc.
Vì thế, mở rộng quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác, đồng minh sẽ giúp làm giảm sức ép kinh tế của Trung Quốc trong các mối quan hệ này. Ngoài ra, các đối tác của Mỹ trong khu vực sẽ trở thành các đối tác an ninh mạnh mẽ hơn khi kinh tế tăng trưởng.
Các nước cần nhận được bảo đảm rằng Mỹ là một đối tác kinh tế muốn phát triển các mối quan hệ có lợi cho các bên thay vì chỉ quan tâm đến chuyện tối đa hóa lợi ích của riêng mình.