Theo Diplomat, trong tuyên bố hôm 27/2, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã bị tàu khu trục Type 052D mang số hiệu 161 của hải quân Trung Quốc chiếu “laser cấp độ quân sự” khi hoạt động cách phía tây đảo Guam khoảng 380 dặm vào một tuần trước đó.
Bằng "mắt thường" không thể phát hiện laser chiếu vào P-8A Poseidon mà "bộ cảm biến" trên máy bay đã phát hiện được vụ việc. Vị trí chính xác xảy ra vụ việc cách đảo Guam khoảng 610 km về phía tây và nằm trong vùng biển Philippines.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, hành động của tàu khu trục Type 052D đã vi phạm Bộ Quy tắc về các vụ chạm trán không mong muốn trên biển (CUES) và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
“Sự việc xảy ra khi máy bay P-8A đang hoạt động trên không phận quốc tế và tuân thủ các quy định cũng như luật pháp quốc tế. Theo quy định của CUES, laser ở cấp độ vũ khí có nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho phi hành đoàn và thủy thủ đoàn cũng như các hệ thống trên tàu chiến và máy bay quân sự", Hạm đội Thái Bình Dương cho hay.
Việc quân đội Trung Quốc có những hành động mang tính khiêu khích nhằm vào quân đội Mỹ không còn là chuyện lạ, nhưng vụ việc chiếu laser cấp độ vũ khí vào máy bay tuần tra P-8A đã cho thấy mức độ nghiêm trọng hơn.
Thậm chí, vào năm 2018, một chiến hạm Trung Quốc còn suýt va chạm với tàu chiến Mỹ khi đang làm nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông .
Cụ thể, vào ngày 30/9/2018, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ đã xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.
Sau đó, Trung Quốc đã điều động tàu khu trục lớp Luyang tới xua đuổi tàu chiến Mỹ. Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu USS Decatur 41 m, khiến chiến hạm Mỹ phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc biện minh tàu khu trục Luyang “đã hành động rất nhanh và kiểm tra tàu chiến Mỹ theo đúng quy định của luật pháp quốc tế cũng như đưa ra lời cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực này”.
Tàu khu trục Type 052D mang số hiệu 161 của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Naval News)
Tuy nhiên, trong vụ việc Trung Quốc chiếu laser cấp độ vũ khí vào P-8A, máy bay Mỹ được xác định không hoạt động trong khu vực Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền hay gần căn cứ quân sự Trung Quốc ở nước ngoài.
Bởi trong tháng 5/2018, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đã tái công bố Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) nhằm cảnh báo quân đội Mỹ về “hàng loạt vụ việc liên quan tới hành động chiếu laser cường độ cao” trên không phận gần căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti , một quốc gia tại Sừng châu Phi.
Theo đó, NOTAM cảnh báo các phi công “cực kỳ thận trọng khi di chuyển gần khu vực căn cứ Trung Quốc và nếu phát hiện laser ở trong hoặc gần Djibouti, cần thông báo với các nhân viên kiểm soát không lưu”.
Điều đó cho thấy, vụ việc tàu khu trục Type 052D chiếu laser cấp độ vũ khí vào máy bay P-8A của Mỹ là dấu hiệu Trung Quốc đang mở rộng phạm vi sử dụng chiến thuật này ra cả Tây Thái Bình Dương.
Nói cách khác, hải quân Trung Quốc dường như đã sẵn sàng có hành động cản trở hoạt động tự do di chuyển và tự do hàng không của các tàu chiến cũng như máy bay quân sự Mỹ ngay cả ở những khu vực nằm cách xa bờ biển Trung Quốc và căn cứ quân sự Trung Quốc ở nước ngoài.
Song động thái của Trung Quốc khiến giới chuyên gia không khỏi lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột giữa quân đội Mỹ - Trung nhất là trong giai đoạn hai nước liên tục chạy đua nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
Máy bay tuần tra P-8A của hải quân Mỹ được trang bị các tên lửa chống hạm AGM-84D Harpoon và ngư lôi hạng nhẹ Mark 54.
Trong khi đó, tàu khu trục Type 052D có tên Hohhot (Hô Hòa Hạo Đặc) được biên chế vào hải quân Trung Quốc vào ngày 1/12/2019, theo Naval News.
Tàu Type 052D có lượng giãn nước toàn tải là 7.500 tấn, chuyên chở 280 thủy thủ và được xem là vũ khí đối chọi của Trung Quốc với tàu khu trục Aegis của hải quân Mỹ.