Việc Bắc Kinh đóng nhiều tàu thuộc lớp tàu tuần dương hải quân lớn, công nghệ cao có thể thay đổi cán cân sức mạnh tại vùng biển châu Á, và báo hiệu cạnh tranh toàn cầu gia tăng giữa hai cường quốc hải quân này.
Việc sản xuất hàng loạt các mẫu thiết kế tàu chiến tối tân - vốn chỉ là một chủ đề được đồn đoán giữa các nhà quan sát tới tận năm 2017 - đang được triển khai với tốc độ chóng mặt.
Trong khi Trung Quốc đóng 8 thân tàu mới, thì Hải quân Mỹ lại không có kế hoạch cụ thể nào để thay thế bất kỳ tàu nào trong số 22 tàu tuần dương hiện tại. Lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) chỉ coi tàu chiến lớp Type 055 là "tàu khu trục".
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ và một báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) phân loại tàu chiến trọng tải 13.000 tấn này là "tàu tuần dương", nhiều khả năng vì kích thước lớn và trang bị kho vũ khí quy mô lớn.
Tàu lớp Type 055 đầu tiên bắt đầu được đóng tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải và được triển khai vào cuối tháng 6 năm ngoái.
Kể từ đầu năm 2018 tới nay, ít nhất 4 thân tàu Type 055 mới nữa, trong đó 2 tại nhà máy đóng tàu Giang Nam và 2 tại nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh được xác nhận đang trong giai đoạn chế tạo. Một trong số đó gần như sẵn sàng đi vào hoạt động.
Tốc độ mau lẹ của Trung Quốc trong việc chế tạo hàng loạt tàu chiến Type 055 mới đã khiến giới quan sát quân sự quốc tế bất ngờ trong năm 2017, bởi ban đầu các chuyên gia cho rằng thiết kế mới của tàu này đang trong giai đoạn thử nghiệm và cần nhiều thời gian hoàn thành.
Là những tàu chiến công nghệ cao trong hạm đội PLAN, tàu Type 055 được dự đoán sẽ trở thành một phần không thể thiếu của các nhóm tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc, cùng với tàu khu trục Type 052D nhỏ hơn và khinh hạm 054A.
Cũng có những thông tin cho rằng Trung Quốc không chỉ lên kế hoạch đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, mà còn dự định chế tạo phiên bản tàu chiến lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân như tàu tuần dương Type 055.
Theo chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, làm được như vậy thì hạm đội PLAN sẽ có cơ hội vươn ra toàn cầu, từ đó ít phụ thuộc vào các căn cứ nước ngoài.
Về phía hải quân Mỹ, nước này vẫn đang sử dụng các tàu tuần dương lớp Ticonderoga lâu đời. Những tàu này được chế tạo hơn 2 thập kỷ trước và vẫn đóng vai trò là các tàu chiến quan trọng bảo vệ các nhóm tàu chiến của hải quân Mỹ.
Theo một báo cáo do chuyên gia James Holmes của trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ và chuyên gia Toshi Yoshihara thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) đồng tác giả công bố năm 2017, việc hải quân Mỹ không kịp thời tăng cường sức mạnh trước những động thái của Trung Quốc có thể mở ra một vùng nguy hiểm, tại đó Bắc Kinh có xu hướng tấn công trước khi lợi thế tạm thời biến mất.
Điều này là do chính quyền Trung Quốc có thể tính toán theo kiểu "bây giờ hoặc không bao giờ" với dự đoán về việc Mỹ hiện đại hóa vũ khí.
Hai chuyên gia Holmes và Yoshihara cho rằng: "Trung Quốc đã đặt nền móng cho một cuộc cạnh tranh sẽ kéo dài trong nhiều thập kỉ. Mỹ và các đồng minh phải chấp nhận thực tế: họ phải đối mặt với một cuộc ganh đua dài hạn trên biển trước một đối thủ cứng rắn, quyết đoán, giàu trí tưởng tượng".
https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/trung-quoc-chay-dua-voi-my-gianh-uu-the-hai-quan-20180118123224896.htm