Giá dầu lập đỉnh mới do nỗi lo nguồn cung

Diệp Vũ |

Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, do nguy cơ sụt giảm nguồn cung dầu khi Mỹ tái áp trừng phạt ngành dầu lửa của Iran. Giá dầu Brent đạt mức cao nhất trong 4 năm, nhưng sau đó rút ngắn thành quả tăng do Tổng thống Donald Trump một lần nữa kêu gọi OPEC tăng sản lượng.

Theo tin từ Reuters, trong bài phát biểu tại Liên hiệp quốc, ông Trump nhắc lại lời kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khai thác nhiều dầu hơn và dừng tăng giá dầu.

Trước bài phát biểu của ông Trump, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc đạt 82,55 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2014. Giá dầu đã tăng mạnh thời gian gần đây, khi thời hạn 4/11 - ngày mà Mỹ sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa Iran - đang đến gần.

"Thật khó có thể tin là Saudi Arabia sẽ không hưởng ứng lời kêu gọi của ông Trump vào một lúc nào đó, nhất là nếu giá dầu còn tăng cao hơn", nhà phân tích John Kilduff thuộc Again Capital ở New York phát biểu. "Ông ấy sẽ liên tục gây áp lực với họ.

Cuối tuần trước, OPEC và các đối tác, gồm Nga, đã nhóm họp để bàn về vấn đề sản lượng, nhưng không một quyết định nâng sản lượng nào được đưa ra. Phát biểu ngày 25/9 tại Madrid, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói rằng khối này và đối tác cần hợp tác để đảm bảo họ không "rơi từ cuộc khủng hoảng này vào một cuộc khủng hoảng khác".

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent tăng 0,67 USD/thùng, đạt 81,87 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,2 USD/thùng, đạt 72,28 USD/thùng, mức cao nhất từ giữa tháng 7.

Giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đang tiến tới hoàn tất quý tăng thứ 5 liên tục, chuỗi thời gian tăng dài nhất kể từ đầu năm 2007, khi mà một chuỗi tăng 6 quý đưa giá dầu này lên mức kỷ lục 147,5 USD/thùng.

Trong bài phát biểu tại Liên hiệp quốc, ông Trump cũng nói Mỹ sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran sau khi tái áp trừng phạt ngành dầu lửa của nước này vào tháng 11. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu dầu của Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC.

"Xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm mạnh, và xét tới việc OPEC không muốn nâng sản lượng, thị trường đang đối mặt nguy cơ thiếu cung", chiến lược gia hàng hóa Harry Tchilinguirian thuộc ngân hàng BNP Paribas nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Kilduff, phần lớn khả năng thiếu hụt nguồn cung đã được phản ánh vào giá dầu hiện nay.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng mạnh, với mức tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm tới. IEA cũng nói thị trường dầu đang dần bị thắt chặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại