Ngoài ra, sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2018 được dự báo sẽ tăng chậm, đặt ra những mối lo ngại về nguồn cung.
Từ đầu năm nay, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tái áp trừng phạt Iran, giới giao dịch dầu lửa đã phản ánh vào giá dầu sự thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra nếu xuất khẩu dầu lửa từ Iran giảm sút.
Mỹ dự định đến ngày 4/11 sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa Iran, và càng đến gần thời điểm này, phần bù rủi ro đối với giá dầu vì nỗi lo Iran càng tăng lên - hãng tin Reuters cho hay.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,69 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, đạt 79,06 USD/thùng.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,71 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 69,25 USD/thùng.
Sau khi thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch chính, giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch điện tử, khi số liệu từ Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ sụt 8,6 triệu thùng trong tuần trước, so với mức tăng gần 1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Mỹ đã kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các nước đồng minh, cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran về 0 trước ngày 4/11. Một số nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, có vẻ như đã nghe theo lời kêu gọi này của Mỹ, theo Reuters.
Iran là nước có sản lượng dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng không muốn đẩy giá dầu lên cao, vì giá dầu quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thậm chí là gây suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Ngày thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Rick Perry đã có cuộc gặp với người đồng cấp Khalid al-Falih của Saudi Arabia ở Washington. Chính quyền ông Trump đang khuyến khích các nước sản xuất dầu lớn giữ sản lượng khi thác dầu ở mức cao.
Dự kiến, ông Perry sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak ở Moscow vào ngày thứ Năm tuần này.
Nga, Mỹ và Saudi Arabia hiện là ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu khoảng 100 triệu thùng/ngày của toàn cầu.
OPEC và một số nước ngoài khối, gồm Nga, đã nhất trí hạn chế khai thác dầu từ tháng 1/2017 để giúp giá dầu hồi phục sau đợt giảm sâu trước đó. Kể từ khi thỏa thuận hạn chế sản lượng được thực thi đến nay, giá dầu đã tăng hơn 40% và nguồn cung dầu toàn cầu bị siết chặt hơn, đặt ra đòi hỏi các nước sản xuất dầu lớn phải tăng sản lượng trở lại.
Báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ có thể chỉ tăng 840.000 thùng/ngày, đạt 11,5 triệu thùng/ngày trong năm tới, thay vì mức tăng 1,02 triệu thùng/ngày, đạt 11,7 triệu thùng ngày như dự báo trước đó.
"Thị trường đang đánh giá những con số trên, cộng với khả năng nguồn cung dầu từ Iran và Venezuela tiếp tục giảm. Tất cả đặt ra một bức tranh giá dầu tăng", nhà phân tích cấp cao về thị trường năng lượng Abhishek Kumar thuộc Interfax Energy ở London phát biểu.
Trong bối cảnh nguồn cung dầu từ Trung Đông thắt chặt hơn, một số khách hàng châu Á đã chuyển sang các nguồn cung thay thế. Nhập khẩu dầu từ Mỹ vào Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9 này.
Về phần mình, các nhà khai thác dầu Mỹ đang tích cực tìm kiếm khách mua mới cho nguồn dầu mà trước đây họ vẫn bán cho Trung Quốc, bởi khách Trung Quốc đang giảm đặt mua dầu Mỹ do chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang.