Trong khi Trung Quốc (TQ) tuyên bố thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của nhân loại - lần đầu tiên hạ cánh xuống vùng tối của mặt trăng bằng tàu thám hiểm vũ trụ Hằng Nga 4 thì một số tờ báo của Anh lại chú ý đến phát hiện của nhà nghiên cứu người ngoài hành tinh Scott C. Waring.
Theo đó, ông Waring chỉ ra dấu hiệu dàn dựng trong các bức ảnh chụp thiết bị Thỏ Ngọc trong khi thực hiện nhiệm vụ trên mặt trăng.
Nghi ngờ ngụy tạo hình ảnh
Tờ Mirror Online của Anh đã đăng tải những nghi ngờ của ông Scott C. Waring viết trên trang UFO Sightings Daily về một chi tiết chứng minh việc dàn dựng hiện trường. Đó là “đường phấn trắng” ngay dưới chân thiết bị Thỏ Ngọc trong bức ảnh chụp từ không gian.
Ông Waring cho rằng có ai đó đã đặt giá đỡ này (đường phấn trắng) trước thiết bị Thỏ Ngọc và quên xóa nó hoặc là các “đạo diễn” đã cố gắng làm đoạn thẳng này trở nên nhỏ nhất có thể trong quá trình dựng cảnh.
Ông Waring nói thêm việc thiếu vắng sự hiện diện của đá trên bề mặt mặt trăng trong ảnh chụp cũng là dấu hiệu cho thấy hình ảnh Thỏ Ngọc làm nhiệm vụ ở mặt trăng chỉ là ngụy tạo.
Tờ The Sun cũng nhắc đến phát hiện của ông Waring, nghi ngờ chính phủ TQ đã đứng sau vụ làm giả cuộc đổ bộ lên mặt trăng này bằng cách ghép ảnh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và tuyên bố đặt chân lên vùng tối của mặt trăng - nơi chưa có quốc gia nào đặt chân đến.
“Đường phấn trắng” có thể là vết bẩn trong đất hoặc thậm chí là một trục trặc hình ảnh khi ghép 80 bức ảnh khác lại với nhau tạo ra không gian chụp nhanh. Điều lạ lùng là trong bức ảnh “đường phấn trắng” này chỉ xuất hiện ngay phía dưới thiết bị Thỏ Ngọc mà không thấy ở các vùng khác trên bề mặt mặt trăng.
Tờ Mirror Online cũng dẫn lời một nhà nghiên cứu về người ngoài hành tinh khác - ông Nigel Watson, nhận định mặt trăng là một chủ đề ưa thích của những người theo thuyết âm mưu. Đường thẳng trong ảnh có thể chẳng qua là sự phản chiếu ánh sáng mặt trời từ tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc thiết bị Thỏ Ngọc.
Cho dù đường thẳng đó là gì thì phát hiện này cũng không đủ để trở thành bằng chứng cho thấy nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng của TQ là giả.
Không phải lần đầu tranh cãi
Tờ Metro đã có những liên hệ thú vị từ chuyến thám hiểm mặt trăng của TQ vừa rồi với sự kiện tàu vũ trụ Apollo 11 của Mỹ lần đầu đáp xuống bề mặt mặt trăng năm 1969.
Tờ báo này dẫn chứng rằng ở Mỹ có đến 21 triệu người tin rằng cuộc đổ bộ lên bề mặt của mặt trăng đã bị làm giả - mặc dù hình ảnh từ các kính viễn vọng ở Trái đất hiển thị rõ ràng các lá cờ Mỹ do các sứ mệnh Apollo để lại.
Tiếp theo dự án tàu vũ trụ Hằng Nga 4 sẽ là Hằng Nga 5 và Hằng Nga 6 với sứ mệnh nghiên cứu mặt trăng và sao Hỏa. TQ đang tạo ra một bước chạy đà rất nhanh trong cuộc đua khám phá vũ trụ này.
Tờ Express của Anh mặc dù cũng đăng tải phát hiện “đường phấn trắng” nhưng cũng khẳng định nhiều nhà khoa học, trong đó nhiều người không phải là người TQ đã tin tưởng TQ đã thực sự hoàn thành nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng.
Bên cạnh đó, trong cuộc họp báo ngày 14-1, TQ cũng đã đồng ý cho NASA tiến hành sử dụng các dữ liệu mà tàu Hằng Nga 4 đã thu thập được từ nhiệm vụ lần này.
Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ TQ Ngô Diễm Hoa cho biết NASA đã chia sẻ thông tin về vệ tinh quỹ đạo mặt trăng của họ với hy vọng được theo dõi cuộc đổ bộ lần đầu tiên xuống vùng tối của mặt trăng của tàu vũ trụ Hằng Nga 4.
Đáp lại, TQ lần lượt chia sẻ thời gian và tọa độ theo lịch trình của tàu vũ trụ Hằng Nga 4. Ông Ngô Diễm Hoa nói thêm rằng trong khi vệ tinh của NASA không bắt được khoảnh khắc hạ cánh chính xác nhưng cũng đã chụp ảnh khu vực sau đó.
Đây là hình thức hợp tác đầu tiên giữa cơ quan hàng không vũ trụ giữa hai nước kể từ khi một đạo luật của Mỹ năm 2011 cấm các dự án không gian chung với TQ mà không có sự chấp thuận trước Quốc hội của Mỹ được ban hành.
Trồng hoa trên mặt trăng
South China Morning Post cho biết những hạt giống cây bông do tàu vũ trụ TQ Hằng Nga 4 mang lên mặt trăng đã nảy mầm, trở thành những chồi cây đầu tiên được biết đến trên mặt trăng.
Theo tờ báo này, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia TQ đã công bố bức ảnh cho thấy những chồi cây bông đang phát triển tốt cùng với nhiều mầm cây khác. GS Liu Hanlong, người đứng đầu công trình thí nghiệm, hôm 15-1 tuyên bố rằng hạt cây bông là những hạt giống đầu tiên nảy mầm, tuy nhiên ông không đưa ra thời gian chính xác.
Ông Liu nói thêm ngoài hạt bông, hạt cải dầu và hạt khoai tây cũng nảy mầm và phát triển tốt tính đến ngày 12-1. Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 khi hạ cánh xuống phía vùng tối của mặt trăng vào ngày 3-1 có mang các thùng chứa kín với nhiều mẫu thử nghiệm sinh học, bao gồm một thùng được gọi là “vòng tròn sinh thái vi mô trên bề mặt mặt trăng”.