Việc gia hạn hiệp ước ba thập kỷ giữa Hoa Kỳ và Singapore cho phép các lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân của Singapore báo hiệu rằng Washington coi đảo quốc sư tử này là một phần quan trọng trong chiến lược châu Á của mình trong thời gian dài sắp tới, các nhà phân tích cho hay.
Liên kết quan trọng Mỹ - Singapore
Một nhà quan sát hàng hải cho biết việc gia hạn thỏa thuận năm 1990 có thể được Trung Quốc nhìn nhận với một số lo ngại vì diễn ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào cuối ngày thứ Hai đã ký bản sửa đổi Bản ghi nhớ đầu tiên năm 1990 về việc sử dụng các cơ sở tại Singapore.
Theo thỏa thuận được gia hạn, Hoa Kỳ sẽ có quyền tiếp cận các cơ sở hải quân và không quân của Singapore cho đến năm 2035. Lần gia hạn hiệp ước trước đó vào năm 2005 đã cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các cơ sở này đến năm 2020.
Thủ tướng Lý, đang ở Mỹ để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, được trích dẫn sau khi ký kết văn bản tại New York nói rằng hiệp ước phản ánh sự hợp tác rất tốt trong các vấn đề quốc phòng giữa các nước. Còn ông Trump cho biết Mỹ có mối quan hệ phi thường với đảo quốc và nhà lãnh đạo Singapore.
Collin Koh, một chuyên gia quân sự và hải quân Singapore, cho biết thỏa thuận này cho thấy Hoa Kỳ xem Singapore là "đối tác an ninh chính".
Mặc dù có mối quan hệ quân sự mạnh mẽ, hai nước không gọi nhau là "đồng minh". Các quan chức quốc phòng cũng không coi các cơ sở của Hoa Kỳ ở Singapore là căn cứ của Mỹ.
Các tàu của Hải quân Mỹ, bao gồm tàu ngầm hạt nhân và các nhóm tàu sân bay là những vị khách thường xuyên đến căn cứ hải quân Changi của Singapore- nơi đóng vai trò là điểm tiếp nhiên liệu và tiếp tế cho các lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Từ năm 2013, Singapore bắt đầu đón các tàu chiến duyên hải được triển khai luân phiên của Mỹ và sau đó là các máy bay do thám P-8 Poseidon tối tân.
Các nhà quan sát quân sự cho biết Singapore đang đóng vai trò là một cứ điểm quan trọng cho các lực lượng Mỹ tiến vào Biển Đông đang tranh chấp, nơi Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do trên biển.
Chuyên gia Koh cho biết chính quyền Trump đang phát triển tiếp chiến lược của cựu tổng thống Barack Obama "xoay trục sang châu Á", nhằm tập trung lực lượng Mỹ triển khai ở châu Á thay vì Đại Tây Dương.
"[Thỏa thuận] trên cũng thể hiện sự quan tâm liên tục vào việc duy trì sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực và thực hiện cam kết an ninh của nước này, ông Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam cho biết.
Trong khi đã có một số lo ngại từ các nước láng giềng Đông Nam Á khi Singapore lần đầu tiên đồng ý tiếp đón lực lượng Hoa Kỳ vào năm 1990, Koh nói rằng những lo ngại đó đã giảm bớt vì các nước này nhìn thấy giá trị trong việc có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực.
Singapore đảm nhận vai trò hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương khi Căn cứ Hải quân vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark ở Philippines bị đóng cửa.
Koh nói: Chủ yếu, [hiệp ước] này nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp tục các cam kết an ninh của Mỹ, tạo điều kiện cho môi trường hòa bình và ổn định trong bối cảnh hậu Chiến tranh Lạnh không chắc chắn, do đó cho phép các nước trong khu vực tập trung vào phát triển kinh tế xã hội mà không phải dành nhiều nguồn lực cho xây dựng quân đội".
Trung Quốc cảnh giác nhưng không phản ứng gắt
Koh cho biết, Trung Quốc - vốn bị lôi kéo vào một cuộc đấu tranh địa chiến lược và thương mại với Mỹ - có thể sẽ "cảnh giác" với diễn biến này, nhưng ông thấy đây là một điều không thể tránh khỏi.
William Choong, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, cho biết việc gia hạn thỏa thuận phản ánh mong muốn ổn định của cả Singapore và Mỹ.
Đối với Hoa Kỳ, thỏa thuận này cho phép họ tiếp tục tiếp cận với một trung tâm rất quan trọng tại khu vực Đông Nam Á – điều trở nên quan trọng hơn sau khi Mỹ từ bỏ các căn cứ ở Philippines vào những năm 1990, Choong nói.
Trong khi đó, Singapore và các nước khác phụ thuộc vào thương mại sẽ được hưởng lợi vì sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho các tuyến vận chuyển, ông nói.
Choong cũng cho hay Bắc Kinh sẽ hiểu được lập trường của Singapore.
"Tôi không nghĩ [người Trung Quốc] nhất thiết phải hài lòng với điều đó, nhưng tôi nghĩ họ đã quen với việc Singapore đón những con tàu [Mỹ]", ông nói.
"Người Trung Quốc sẽ không nhìn vào điều này theo một khía cạnh tích cực, nhưng tôi không nghĩ rằng họ sẽ đáp lại bằng tín hiệu nóng. Nó có một sự tiến triển tự nhiên".
Việc Singapore từ lâu đã duy trì mối quan hệ chiến lược và kinh tế mạnh mẽ với Mỹ không có nghĩa là họ đứng về phía Washington chống lại nước láng giềng châu Á của mình.
Vào tháng 5, các nhà lãnh đạo quốc phòng Singapore và Trung Quốc đã nhất trí về một chương trình quan trọng nhằm tăng cường quan hệ quân sự. Hai nước sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung lần thứ hai vào năm tới, sau khi tổ chức hoạt động tương tự vào năm 2015.
Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo quá cố của Singapore và là cha của thủ tướng đương nhiệm, từng nói rằng ông không phản đối cả Mỹ và Trung Quốc một ngày nào đó có căn cứ hậu cần ở nước mình.