Theo NDTV, chỉ một tháng sau khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ rút khỏi điểm nóng Doklam, Bắc Kinh đã xây dựng một con đường biên giới mới, cách địa điểm xung đột lần trước khoảng 10km.
Cao nguyên Doklam vốn là vùng tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc và Bhutan, khi cả hai nước này đều tuyên bố chủ quyền với vùng đất này. Ấn Độ, với tư cách là đồng minh của Bhutan ủng hộ tuyên bố chủ quyền của đất nước nhỏ bé.
Hồi giữa tháng 6, binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua biên giới Sikkim để chặn binh sĩ Trung Quốc xây dựng một tuyến đường biên giới gần "cổ gà", một dải lãnh thổ hẹp nối New Delhi với các bang phía Đông Bắc đất nước.
Sau khoảng 70 ngày binh sĩ 2 bên đối đầu trực diện với nhau, mở ra nguy cơ xung đột lớn giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á, hai nước đã quyết định giải tỏa căng thẳng bằng cách cùng rút quân.
Khi đó, các quan chức Ấn Độ cho hay Trung Quốc đã thu hồi máy ủi đất và các thiết bị thi công đường xá khác. Ngược lại Trung Quốc nói là thời tiết xấu khiến họ dừng kế hoạch xây đường biên giới của mình.
Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau thì hiện Trung Quốc đang nâng cấp một tuyến đường biên giới tại Doklam và chỉ cách tuyến đường cũ khoảng 10 km. Khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.
Ấn Độ nhiều lần khẳng định họ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bhutan, cũng như nói rõ rằng họ không muốn Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự quá sát biên giới với mình, đặc biệt là khu vực "cổ gà" chiến lược.
Trung Quốc đã cử 500 lính bảo vệ số công nhân xây dựng mở rộng tuyến đường biên giới này và hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng này sẽ không đóng chân lâu dài tại đây do họ không xây dựng các căn cứ kiên cố.
NDTV cho hay những quan chức quân sự Ấn Độ tin rằng hành động xây tuyến đường mới của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn khẳng định tuyên bố lãnh thổ của mình. Một số nguồn tin khác thì cho biết việc xây dựng tuyến đường mới này đã được thực hiện từ hôm 28.8, tức khi Trung Quốc và Ấn Độ đang đàm phán để giảm căng thẳng biên giới.
Mục tiêu của Trung Quốc là mở rộng đường chạy qua Nam Torso Nallah đến dãy núi Jhamperi, một khu vực địa chiến lược quan trọng trong khu vực và quân đội Bhutan có căn cứ quân sự đóng quân.
Trung Quốc và Ấn Độ từng nhiều lần va chạm biên giới và đã có một cuộc chiến biên giới ngắn ngày hồi năm 1962, với kết quả vô cùng đẫm máu. Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ, Tướng Bipin Rawat gần đây cũng nhiều lần cảnh báo nguy cơ xung đột biên giới Trung Quốc và yêu cầu các binh sĩ dưới quyền gia tăng phòng bị, đề phòng trường hợp xấu nhất.