Các tàu chở dầu cập cảng của kho dầu Sinopec Yaogang ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters)
Lượng dầu nhập khẩu qua đường biển từ Nga đến Trung Quốc sẽ tăng lên gần mức kỷ lục 1,1 triệu thùng/ngày trong tháng 5, cao hơn nhiều so với 750.000 thùng/ngày trong quý 1 và 800.000 thùng/ngày trong năm 2021, theo số liệu ước tính của hãng phân tích Vortexa.
Unipec, công ty thương mại của tập đoàn dầu khí Sinopec Trung Quốc, đang là bên mua nhiều nhất, cùng với Zhenhua Oil – chi nhánh của tập đoàn quốc phòng Norinco Trung Quốc, theo số liệu về vận tải hàng hải.
Livna, đăng ký tại Hong Kong, gần đây nổi lên trở thành hãng vận chuyển chính để đưa dầu từ Nga đến Trung Quốc bằng đường biển, Reuters dẫn lời các thương nhân trong ngành cho biết.
Sinopec từ chối bình luận. Zhenhua và Livna không phản hồi đề nghị bình luận.
Những công ty này có vẻ đang lấp vào khoảng trống mà khách hàng phương Tây để lại, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Mỹ, Anh và một số nước cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga không lâu sau khi xung đột nổ ra. Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bàn về gói trừng phạt thứ 6, trong đó có lệnh cấm mua dầu Nga. Nhiều hãng lọc dầu châu Âu đã dừng mua dầu Nga vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt hoặc vấp phải phản ứng bất lợi từ dư luận.
Vitol và Trafigura – hai hãng buôn dầu lớn nhất thế giới – dừng mua hàng của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft trước khi quy định của EU có hiệu lực vào ngày 15/5, để cấm mua dầu trừ trường hợp “cực kỳ cần thiết” để bảo đảm nhu cầu năng lượng của châu Âu.
“Tình hình chuyển biến nghiêm trọng sau khi Vitol và Trafigura dừng mua, tạo ra khoảng trống lớn, và chỉ các công ty mang lại giá trị cũng như được đối tác Nga tin tưởng mới có thể lấp vào khoảng trống này”, một thương nhân Trung Quốc giấu tên nói với Reuters.
Các thương nhân cho biết họ đang mua dầu mỏ của Nga với giá thấp hơn 29USD/thùng so với thời điểm trước khi xung đột nổ ra. Điều này mang lại lợi nhuận lớn cho các hãng lọc dầu Trung Quốc, khi họ đang đối mặt với tình trạng giảm sút lợi nhuận vì nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Mức giá này thấp hơn nhiều so với dầu mua từ Trung Đông, châu Phi, châu Âu và Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn mua của Nga khoảng 800.000 thùng dầu/ngày qua đường ống dẫn mà hai bên đã ký kết, nâng tổng số dầu Trung Quốc nhập từ Nga trong tháng 5 lên gần 2 triệu thùng/ngày, bảo đảm 15% tổng lượng cầu của Trung Quốc.
Đối với Nga, bán được dầu cũng giúp nước này duy trì nền kinh tế trước hàng loạt lệnh cấm vận của phương Tây.