Binh sĩ Mỹ giữ các vị trí xung quanh đại sứ quán ở Baghdad ngày 31/12/2019. Ảnh: AFP
Ngày 27/1/2024, tại thủ đô Baghdad, đại diện của Mỹ và Iraq đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về việc rút lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu khỏi Iraq. Lực lượng này gồm 2.500 binh sỹ, chủ yếu của Mỹ được thành lập năm 2014 nhằm hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thủ tướng Iraq Muhammed Shia Al-Sudani cho biết, việc rút các lực lượng liên minh quốc tế khỏi Iraq là yêu cầu của người dân cũng như của chính phủ Iraq.
Trước đó, ngày 24/1/2023, Đại sứ Mỹ tại Iraq Alina Romanowski đã gửi thư cho Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein bày tỏ sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán với chính phủ Baghdad về việc chấm dứt sứ mệnh của liên minh quốc tế tại Iraq, đồng thời thoả thuận một khuôn khổ hợp tác mới cho quan hệ song phương thay thế sự hiện diện của liên minh ở Iraq.
Tại sao Mỹ và Iraq khởi động đàm phán vào thời điểm này?
Tháng 8/2023, Iraq và Mỹ đã thành lập Uỷ ban quân sự cấp cao (HMC), thoả thuận mở các cuộc đàm phán về việc rút quân khỏi Iraq. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán bị đình trệ do tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, đặc biệt sau các hành động quân sự của Israel chống lại người Palestine ở Dải Gaza và các vùng đất Palestine bị chiếm đóng, tình cảm chống Mỹ, chống Israel ngày càng trở nên mạnh mẽ và lan rộng.
Ngoài dư luận chính giới và các lực lượng chính trị - xã hội đòi Mỹ rút quân, các phong trào kháng chiến ở Iraq đã tăng cường tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria, thậm chí vào cả Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Erbil thuộc miền Bắc Iraq. Đến nay các lực lượng này đã tiến hành hơn 160 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các căn cứ của Mỹ, gây nhiều thiệt hại cho quân Mỹ.
Trong khi đó, các lực lượng của Mỹ cũng đã tấn công đáp trả vào các vị trị trí của các phong trào kháng chiến ở Iraq. Chính phủ Iraq coi đây là hành động vi phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Các cuộc tấn công mới của Mỹ ở Iraq đã làm tăng mức độ căng thẳng giữa Baghdad và Washington, chính phủ của Thủ tướng Mohammed Al-Sudani đứng trước sức ép đòi Mỹ phải rút quân.
Quốc hội và người dân Iraq đòi chính phủ phải hành động để chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ và liên quân tại Iraq. Chưa bao giờ dư luận Iraq lại đòi hỏi rút quân Mỹ cấp bách như hiện nay. Trước tình hình này, Thủ tướng Mohammed Al-Sudani phải tìm cách khởi động các cuộc đàm phán với để rút quân Mỹ khỏi Iraq.
Về phần mình, Washington cho rằng đây cũng là thời điểm để bắt đầu đàm phán với chính phủ Iraq nhằm thoả thuận về lịch rút các lực lượng Mỹ khỏi Iraq, một mặt để tránh tình hình leo thang căng thẳng hơn nữa, gây thiệt hại về người và tài chính cho Mỹ, mặt khác để xoa dịu dư luận trong nội bộ nước Mỹ vốn không ủng hộ duy trì lực lượng của Mỹ ở Iraq khi bầu cử Tổng thống đang đến gần.
Washington quyết định mở các cuộc đàm phán với Iraq vào thời điểm này với hy vọng giảm bớt áp lực chính trị lên Thủ tướng Iraq Muhammed Al-Sudani, đồng thời giảm bớt các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ.
Hệ luỵ của việc Mỹ rút quân khỏi Iraq
Năm 2011, Mỹ đã rút phần lớn số quân của mình khỏi Iraq sau khi thiết lập được hệ thống chính quyền mới, tình hình Iraq tương đối ổn định. Tuy nhiên năm 2014, Mỹ phải đưa quân trở lại giúp Iraq trong cuộc chiến chống Tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) do chính quyền Iraq lúc đó còn chưa đủ mạnh. Năm 2017, với sự giúp đỡ của Mỹ, các mạng lưới, cơ sở hạ tầng của IS về cơ bản đã bị phá huỷ, Iraq giải phóng hoàn toàn khỏi IS.
Sự hiện diện của liên quân lúc đó là để đối phó với IS. Giờ IS đã không còn là nguy cơ lớn đối với an ninh của Iraq nữa. Vì vậy, sự có mặt của quân đội Mỹ ở Iraq là không con cần thiết như trước. IS về cơ bản đã bị đánh bại, chính quyền Iraq đã làm chủ tình hình đất nước. Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Sabit al-Abbasi, tuyên bố, quân đội Iraq hoàn toàn có thể kiểm soát được an ninh trong nước và đối phó với nguy cơ trỗi dậy của nhóm khủng bố IS. Mặt khác, có quan hệ tốt với nhiều nước khu vực cũng như trên thế giới, Iraq hoàn toàn có thể hợp tác với họ trong cuộc chiến chống khủng bố, chống IS nếu hoạt động trở lại.
Trong tình hình như vậy, việc Mỹ rút 2500 quân, thực ra đây không phải là lực lượng chiến đấu mà là các cố vấn và huấn luyện quân sự khỏi Iraq không ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh ở Iraq. Mặt khác, Iraq sẽ thoả thuận một khuôn mẫu mới cho sự hợp tác với Mỹ trên tinh thần bình đẳng giữa hai nước.
Mỹ lo ngại rút quân để lại khoảng trống chiến lược tại Iraq
Chính quyền Biden đang hết sức bối rối. Một mặt muốn rút vì không muốn trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm kháng chiến Hồi giáo, dẫn đến tổn thất thêm cho quân đội.
Gần đây, một loạt căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria, bị tấn công, Houthi liên tiếp tấn công vào các tàu Mỹ ở Biển Đỏ và mới đây nhất, căn cứ quân sự của Mỹ trên biên giới Jordan - Syria bị tấn công làm 3 binh sỹ Mỹ thiệt mạng và hơn 30 ngưới khác bị thương, các lực lượng kháng chiến Hồi giáo Iraq tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ cho đến khi họ buộc phải cam kết rút khỏi Iraq. Tình hình này buộc Mỹ phải tính đến chuyện rút quân.
Ngày 24/1/2024, tờ Foreign Policy dẫn nguồn tin lọt ra từ Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden không còn coi sứ mệnh ở Syria là cần thiết nữa và đang thảo luận về thời gian cũng như khả năng rút 900 binh sỹ khỏi nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ nói Mỹ cũng không cần thiết ở Syria nữa, ở đây đã có quân Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là đủ để chống lại khủng bố rồi.
Iran ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Iraq. Washington lo ngại việc rút quân khỏi Iraq sẽ nhường chỗ cho Iran, tạo không gian cho các nhóm thân Iran ở Iraq và khu vực nổi lên. Đồng thời Nga và Trung Quốc vốn là đồng minh cũ của Baghdad cũng đang tìm cách tăng cưởng ảnh hưởng của mình ở đây.
Không phải ngẫu nhiên, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Iraq và Syria Alexander Lavrentyev cho biết Iraq đã thông báo cho Moscow về việc Mỹ sẵn sàng rút quân khỏi nước này và tiến trình của các cuộc đàm phán sắp tới.
Khác với Afghanistan, Mỹ không thể để lại một khoảng trống chiến lược sau khi rút khỏi Iraq mà vẫn phải tìm cách giữ sự hiện diện của mình một mức độ nào đó để kiểm soát tình hình ở Iraq và khu vực, đồng thời để khẳng định vị thế cường quốc của mình.
Trong bối cảnh Trung Đông đang hết sức căng thẳng, chính quyền Mỹ đang phải xem xét lại các ưu tiên quân sự của mình. Các nhà quan sát chính trị cho rằng, Washington vẫn sẽ phải tăng cường hiện diện ở Trung Đông để kiểm soát các cuộc xung đột đang bùng phát ở đây. Rút quân ngay bây giờ sẽ ảnh hưởng bất lợi không chỉ đến danh tiếng của Tổng thống Joe Biden mà còn đối với Mỹ với tư cách là siêu cường thế giới. Washington không muốn lặp lại sai lầm tương tự ở Afghanistan.
Vì vậy, việc Mỹ quyết định đàm phán với Iraq là nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị, một mặt không muốn gây căng thẳng với Baghdad, mặt khác nhằm xoa dịu dư luận trong nước vốn không ủng hộ việc duy trì quân Mỹ ở Iraq. Đảng Cộng hoà của cựu tổng thống Donald Trump đang tìm cách lợi dụng tình hình này để phục vụ cho mục đích riêng của họ trong bầu cử sắp tới. Trong tình hình như vậy, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài, không thể kết thúc nhanh được.