Nguy cơ giẫm "lằn ranh đỏ" của 1 nước Ả Rập, Israel sẽ kéo 1 đội quân đáng gờm vào hỗn loạn ở Trung Đông?

Duy Anh |

Dòng hỗ trợ tài chính, vũ khí, công nghệ tới lực lượng Hamas đang cản trở Israel đạt được các mục tiêu ở Gaza.

Biên giới dài 14km ngăn cách Gaza với Ai Cập đã được sử dụng trong nhiều năm để Hamas vận chuyển vũ khí, công nghệ, tiền bạc và nhân sự. Để ngăn điều này xảy ra, hãng tin RT nhận định, Israel hiện đang cân nhắc khả năng tái chiếm nó.

Israel đánh giá về nguồn gốc viện trợ cho Hamas

Sau cuộc tấn công hôm 7/10/2023 của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel khiến hơn 5.000 người Israel bị thương, Israel đã phát động chiến dịch Thanh kiếm sắt ở Gaza để trả đũa Hamas. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ trừng phạt những người đứng sau cuộc tấn công hôm 7/10, đồng thời sẽ loại bỏ nhóm Hồi giáo đang kiểm soát Gaza và phi quân sự hóa khu vực này. Tuy nhiên, cho đến nay, Israel được đánh giá là vẫn loay hoay tìm cách đạt mục tiêu.

Thách thức lớn đối với Israel là dòng vũ khí, công nghệ và hỗ trợ tài chính liên tục đến Gaza. Và Israel tin rằng những hỗ trợ này đến từ bán đảo Sinai (Ai Cập), được vận chuyển qua biên giới bằng tuyến đường Philadelphi.

Tên gọi của tuyến đường này xuất hiện vào sau năm 1982, sau hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập và việc phân định biên giới sau đó. Theo thỏa thuận, cả 2 bên đều triển khai quân đội dọc theo con đường 14km này. Đây là một động thái hứa hẹn sự ổn định và an ninh. Tuy nhiên vào năm 1987, người Palestine được cho là đã đào đường hầm qua tuyến đường này để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, chiến binh và tiền bạc.

65ae831120302729e12e4647.jpg

Lực lượng Ai Cập và Sudan tập trận quân sự chung ở Kardavan, Sudan ngày 31/5/2021. Ảnh: Getty

Tiến sĩ Ely Karmon, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện chống khủng bố quốc tế, cho biết: “Ban đầu, Ai Cập không có nỗ lực đáng kể nào để ngăn chặn vấn đề vận chuyển của Hamas, đơn giản vì điều này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả 2 bên."

"Chính trong thời gian này, Hamas đã tăng cường kho vũ khí, công nghệ và tài chính của mình. Đó cũng được cho là thời điểm các chuyên gia và kỹ thuật viên của Iran và Hezbollah đến Gaza dạy các kỹ sư Hamas cách phát triển ngành công nghiệp của riêng họ," ông Ely Karmon nói thêm.

Nguy cơ Israel kéo Ai Cập vào xung đột

Trong những tuần gần đây, một số chính trị gia Israel bao gồm cả Thủ tướng Netanyahu cho rằng cần phải chiếm lại hành lang Philadelphi và tuyên bố Israel sẽ thiết lập toàn quyền kiểm soát lãnh thổ.

Chuyên gia Karmon khẳng định Israel không có ý định chiếm đóng khu vực do ông Netanyahu sẽ không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ với Cairo.

Tuy nhiên, xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng ở Ai Cập. Hany Soliman, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu và Khảo cứu Ả Rập (ACRS) ở Cairo, cho biết lời nói của ông Netanyahu được hậu thuẫn bằng hành động.

Những hành động này bao gồm các cuộc đàm phán với Mỹ về việc xây dựng bức tường ngầm ở phía Ai Cập. Tường ngầm dự kiến có độ sâu 1km và dài 13km, được trang bị cảm biến và công nghệ khác cho phép phát hiện việc đào hầm.

Ông Soliman cảnh báo, việc Israel hiện diện trên tuyến đường sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc: "Các cuộc tấn công sẽ làm lung lay thỏa thuận hòa bình giữa 2 quốc gia. Nó sẽ có nguy cơ kéo Ai Cập vào xung đột, phá hủy các thỏa thuận giữa Cairo và Tổ chức Giải phóng Palestine".

israel-gaza-21-2868-1705927751.jpg

Xe tăng Israel triển khai gần biên giới Dải Gaza hôm 19/1. Ảnh: AFP

"Lằn ranh đỏ" của Ai Cập

Xung đột ở Gaza đã khiến hơn 1 triệu người Palestine phải rời bỏ nhà cửa tới phía Nam khu vực Rafah, giáp biên giới với Ai Cập. RT nhận định, sự hiện diện ngày càng tăng của Israel ở đây có thể tạo thêm nỗi sợ hãi và hoảng loạn trong quần chúng, thúc đẩy những người này tràn sang Ai Cập.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã coi kịch bản như vậy là “lằn ranh đỏ” đối với Ai Cập. Ông cũng cho biết đất nước của ông sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để ngăn chặn tình huống này.

Ông Soliman cảnh báo: “Trong trường hợp như vậy, Ai Cập có thể phải thực hiện hành động quân sự và tăng cường lực lượng để bảo đảm biên giới”.

Ai Cập, quốc gia kề sát cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Gaza, được coi là có một trong những đội quân hùng mạnh nhất ở Trung Đông. Quân đội nước này đứng thứ 14 trong số 145 quốc gia được xếp hạng trong báo cáo Global Firepower năm 2023. Lực lượng vũ trang Ai Cập có 438.500 quân nhân tại ngũ và 479.000 quân dự bị.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại