Trung đoàn 930, Sư đoàn 372: Huấn luyện bay cứu hộ, cứu nạn trên biển

LÊ HỮU LỆ |

Nằm trên địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lụt nên ngoài nhiệm vụ SSCĐ, QLVT, huấn luyện, bảo đảm an toàn bay thì hoạt động bay cứu hộ, cứu nạn là một nội dung được Trung đoàn 930, Sư đoàn 372 đặc biệt quan tâm; trong đó khoa mục bay treo cấp cứu người trên biển vừa được Trung đoàn tổ chức luyện tập thành công, đạt mục đích yêu cầu đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tình huống giả định là có nhiều ngư dân gặp nạn trôi dạt trên biển, trong điều kiện xa bờ, sóng to, các phương tiện khác phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận được. Nhận được lệnh của trên, ngay lập tức các tổ bay của Trung đoàn 930 sử dụng trực thăng Mi-8 bay tiếp cận mục tiêu để tiến hành cẩu, cứu người đưa vào bờ.

Tại bãi luyện tập trên biển, từ xa, những chiếc trực thăng Mi-8 xác định rõ các mục tiêu, từ từ hạ thấp độ cao và dùng cẩu thả "người nhái" xuống khu vực người dân bị nạn.

Sau vài lần vào ra để xác định mục tiêu, chiếc trực thăng gần như đứng yên trên không, cách mặt nước khoảng vài chục mét lần lượt thả cẩu xuống mặt nước, phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển để cẩu các nạn nhân lên máy bay...

Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930, cho biết: "Khoa mục bay treo cấp cứu người trên biển là một đặc trưng của không quân trực thăng. Tất cả phi công, tổ bay khi bay cấp cứu người trên biển phải bay treo cấp cứu người trên cạn thành thạo.

Phi công phải nắm chắc đặc điểm khi bay ở trên biển và bay treo trên biển khi không cẩu người thật. Khi tất cả mọi yếu tố đều tốt, mới thực hành treo cấp cứu người thật ở trên biển".

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, huấn luyện bay treo cấp cứu người trên biển của máy bay trực thăng là một nội dung tương đối khó.

Ngoài việc huấn luyện cho tổ bay, tổ tìm kiếm cứu nạn trên không nắm vững kỹ thuật cẩu cứu người trên biển, cấp cứu nạn nhân thì việc huấn luyện cho phi công nắm vững thời cơ, thuần thục kỹ thuật lái là một nội dung rất quan trọng, quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Yêu cầu đối với phi công phải xác định được hướng tiếp cận mục tiêu, giữ tốt trạng thái đứng yên, thăng bằng cho máy bay, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ trên biển mới có thể cẩu cứu thành công các nạn nhân.

Thượng úy Trần Đức Hải - Phó Phi đội trưởng Phi đội 1, chia sẻ:

"Đối với khoa mục này, do thực hiện nhiệm vụ trên biển không có địa tiêu, gió thường lớn, khi vào khu vực cứu nạn, mục tiêu bị che khuất, phi công không có địa vật làm chuẩn thăng bằng nên trong việc xác định mục tiêu, kỹ thuật treo máy bay, chúng tôi phải phối hợp với lực lượng cứu hộ trên không và dựa vào hệ thống đồng hồ, la bàn.

Quá trình vào treo phải nắm chắc hướng gió để xác định hướng cho máy bay; khi treo thường ở độ cao 15m-20m, giữ vững cần lái cho máy bay thăng bằng, đứng yên, không rung lắc để người được cẩu cứu lên máy bay không bị va đập, lôi kéo…".

Sau hơn 5 giờ huấn luyện vật lộn với sóng gió, 4 tổ bay của Trung đoàn 930 đã thực hành bay 30 lượt chuyến, cẩu cứu được 22 người đưa vào bờ an toàn; hoàn thành nội dung kế hoạch đề ra.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung cho biết thêm, cùng với luyện tập cấp cứu người trên biển, đơn vị còn chú trọng huấn luyện các khoa mục cứu hộ, cứu nạn khác như: Bay hạ cánh ở khu vực bãi hạn chế ở đảo, bay hạ cánh ở đồi núi cao, địa hình hiểm trở, khu vực động đất…

Đây là hoạt động huấn luyện thường xuyên của đơn vị nhằm nâng cao trình độ của tổ bay, tổ cứu nạn trên không và các lực lượng phối hợp.

Huấn luyện cấp cứu người trên biển đã góp phần nâng cao trình độ SSCĐ và cứu hộ, cứu nạn; đồng thời là cơ sở để Trung đoàn 930 hoàn thành tốt các nhiệm vụ tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại