Binh sĩ Nga tại Kherson. Ảnh: The Moscow Times
4 vùng trưng cầu ý dân sáp nhập Nga
Các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga. Hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk dự kiến sẽ tổ chức trưng cầu ý dân từ ngày 23-27/9 về việc sáp nhập Nga.
Các cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga ở khu vực Kherson và Zaporizhia cũng sẽ được tổ chức vào cùng thời điểm.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, các khu vực do Nga chiếm được sắp tổ chức bỏ phiếu trưng cầu ý dân chiếm gần 15% tổng lãnh thổ của Ukraine. Nếu việc sáp nhập 4 vùng này diễn ra thành công, cùng với Crimea, Nga sẽ kiểm soát một khu vực có diện tích tương đương với bang Pennsylvania của Mỹ.
Quá trình này gợi nhớ đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Trong một bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tôn trọng kết quả của các cuộc trưng cầu ý dân sắp tới của các vùng ly khai Ukraine.
Khu vực Donbass gồm hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng thân Nga kể từ năm 2014. Tổng thống Putin đã công nhận hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là các quốc gia độc lập ngay trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong khi đó, Nga giành quyền kiểm soát Kherson và Zaporizhzhia gần như hoàn toàn hoặc một phần vào giai đoạn đầu của cuộc chiến. Cho đến nay, cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn ở 4 khu vực này.
Một cuộc trưng cầu ý dân cũng đã được lên kế hoạch ở các khu vực phía Đông Kharkiv, nhưng cuộc phản công của Ukraine tại đây đã loại bỏ ý tưởng này.
Theo các phương tiện truyền thông Nga, sẽ có sự khác biệt trong các cuộc trưng cầu ý dân ở 4 khu vực trên. Tại vùng Donbass, lá phiếu sẽ có một câu hỏi duy nhất, với câu trả lời là "có" hoặc "không" việc có đồng ý gia nhập Nga hay không.
Trong khi ở hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia, sẽ có ba câu hỏi được đặt ra với hai câu trả lời là "có" hoặc "không". Việc bỏ phiếu sẽ diễn ra ở Nga.
Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, ông Denis Pushilin, cho biết, các quan chức sẽ đi từng nhà phát phiếu trưng cầu, và người dân cũng có thể bỏ phiếu tại các địa điểm công cộng được chỉ định. Vào ngày cuối cùng, cư dân sẽ có thể bỏ phiếu tại các nơi bỏ phiếu.
Yevgeny Balitsky, người đứng đầu cơ quan hành chính do Nga bổ nhiệm, cho biết sẽ không có bỏ phiếu điện tử.
Mục tiêu của Nga
Theo DW, khi việc sáp nhập vào Nga được chính thức hóa, các tay súng ở Donetsk và Lugansk có thể sẽ gia nhập quân đội Nga. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 20/9 cho biết, việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới sẽ cho phép Nga sử dụng tất cả các lực lượng tự vệ.
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu (ZOiS) ủy quyền, vào thời điểm đó, khoảng 45% người dân của các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ủng hộ việc sáp nhập vào Nga.
Ngày 21/9, Tổng thống Putin phát lệnh huy động một phần, kêu gọi 300.000 lính dự bị tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Động thái này diễn ra một ngày sau khi hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, các vùng Kherson và Zaporizhia ấn định ngày tổ chức trưng cầu ý dân sáp nhập Nga.
Bên cạnh đó, quyết định trên của Nga diễn ra khi Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công thần tốc nhằm giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Đông Bắc mà Nga đã kiểm soát hồi đầu cuộc xung đột.
Natalia Savelyeva, thành viên tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết việc thông báo kế hoạch trưng cầu ý dân trong tuần này dường như đánh dấu một "giai đoạn mới của cuộc chiến". "Đây là những dấu hiệu cho thấy Nga đang cảm thấy không hài lòng", bà Savelyeva nói.
Một số nhà phân tích cảnh báo rằng các cuộc trưng cầu ý dân đã được lên kế hoạch sắp tới có thể là dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng leo thang căng thẳng của cuộc chiến.
Margarita Simonyan, Tổng biên tập RT, hôm 20/9 ám chỉ rằng các cuộc trưng cầu ý dân là một dấu hiệu cho những hành động quyết đoán hơn của Nga sắp tới.
"Đánh giá những gì đang và sắp xảy ra, tuần này đánh dấu thời khắc chiến thắng sắp tới của chúng tôi hoặc thời khắc chuyển sang chiến tranh hạt nhân. Tôi không thấy có lựa chọn nào khác", bà Simonyan cho biết.
Tatiana Stanovaya, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn chính trị R.Politik, cho rằng các cuộc bỏ phiếu sắp tới là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện hay một tối hậu thư từ Nga tới Ukraine và phương Tây rằng: hoặc Ukraine phải rút lui, hoặc sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
"Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý mình để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi", nhà lãnh đạo Nga cảnh báo hôm 21/9.
Phản ứng của các bên
Ukraine và các nước phương Tây đã không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và họ cũng không có ý định công nhận bất kỳ khu vực nào khác gia nhập Nga.
"Mỹ sẽ không bao giờ công nhận các tuyên bố của Nga nhằm sáp nhập lãnh thổ một cách có chủ đích", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết.
Phản ứng trước thông báo rằng vùng Donbass sẽ bỏ phiếu để sáp nhập vào Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi những động thái này là phi pháp và kêu gọi "cộng đồng quốc tế" hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.
"Những cuộc trưng cầu ý dân giả mạo này không có cơ sở pháp lý và không thay đổi bản chất cuộc chiến của Nga ở Ukraine", ông Stoltenberg viết trên Twitter, đồng thời gọi đó là "hành vi leo thang căng thẳng".
EU đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trước các cuộc trưng cầu ý dân sáp nhập 4 vùng ở Ukraine.
"Nga, giới lãnh đạo chính trị và những ai có liên quan đến các cuộc trưng dầu ý dân cũng như những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, những biện pháp hạn chế bổ sung nhằm vào Nga sẽ được cân nhắc", Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết.