Trao đổi với CNBC, đại diện Phòng thương mại Mỹ tại Singapore Dwight Hutchins cho biết, mối quan tâm lớn nhất của họ sau khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ là TPP. Số phận của thỏa thuận Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP có ảnh hưởng lớn tới lợi ích kinh doanh của Mỹ ở châu Á, nhưng lại không được lòng cả đội ngũ của Trump lẫn Clinton.
"Chúng tôi sẽ phải làm cho họ hiểu rằng 95% thị trường tiêu dùng thế giới đang nằm ngoài nước Mỹ và người Mỹ cần được 'chơi' trong môi trường đó. TPP sẽ giúp chúng ta", Hutchins tiếp tục.
Bất chấp lợi ích tiềm năng của hiệp định, bao gồm cả việc tạo ra việc làm mới và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường nước ngoài, phản đối TPP vẫn là điểm chung ít ỏi giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ năm nay.
Những người phản đối lập luận rằng các thỏa thuận thương mại kiểu mới sẽ làm ảnh hưởng đến công việc hiện tại của họ, khiến các công ty Mỹ thích chuyển nhà máy sản xuất ra nước ngoài, giảm việc làm thực tại Mỹ và làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng về thu nhập.
Không thể có được sự đồng thuận của Quốc hội Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, TPP càng khó có cửa được thực thi trong nhiệm kỳ tới.
Tuần trước, đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman nói với CNBC rằng "TPP chưa chết", bởi về lý thuyết, hiệp định vẫn có thể thu hút đủ số phiếu để được Quốc hội sau cuộc bầu cử tổng thống. "TPP giúp loại bỏ tới 18.000 dòng thuế về hàng hóa và dịch vụ. Các nghị sỹ Quốc hội chắc hẳn sẽ xem xét lại vấn đề này vì những lợi ích sát sườn của nước Mỹ".
Hiện tại, bảy trong số 12 nước đang trong giai đoạn hoàn thành việc thông qua biên bản thỏa thuận của hiệp định tại Quốc hội, bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia và New Zealand.