Trực thăng tấn công mới Mi-28NE của Nga nguy hiểm như thế nào?

THUỲ LINH |

Chiến dịch quân sự của lực lượng Không quân-Vũ trụ (VKS) Nga tại Syria không chỉ giúp kiểm chứng và cải thiện khả năng phối hợp chiến đấu của các đơn vị, mà còn tác động đáng kể đến đặc tính của những trang thiết bị quân sự.

Một trong những ví dụ điển hình về công cuộc hiện đại hóa máy bay sâu sắc có xét đến kinh nghiệm tham chiến tại Syria là trực thăng nâng cấp Mi-28NE, được giới thiệu tại Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế Army-2018 mới vừa diễn ra tại ngoại ô Moscow (Nga).

“Tiếng sấm” từ bầu trời

Trong thời gian hoạt động quân sự tại Syria, phi đội trực thăng của Không quân-Vũ trụ Nga đã thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ chiến đấu. Hầu hết các cuộc tấn công lớn của chính phủ Syria đều có sự hỗ trợ từ đơn vị không quân.

Trong khi đó, các nhà phát triển vũ khí Nga cũng đã nâng cấp, cải tạo nhiều trang thiết bị hàng không dựa trên những kinh nghiệm chiến đấu tích lũy được tại Syria. Những thay đổi đó liên quan đến tất cả các thành tố trong cấu trúc máy bay, từ lớp vỏ bảo vệ đến vũ khí trang bị.

Tại Syria, các phi đội của VKS thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ tấn công các căn cứ kiên cố tới săn lùng mục tiêu tại khu vực định trước. Các đợt tấn công và hỗ trợ hỏa lực chống lại kẻ thù trong điều kiện chiến đấu thực tế đã tác động đáng kể đến công tác phát triển máy bay.

Hoạt động của Không quân Nga tại Syria đã cho thấy, ngoài tên lửa không điều khiển, tên lửa chống tăng cũng là một trong những công cụ hiệu quả nhất để tiêu diệt các trang thiết bị và cơ sở của địch.

Theo nhận xét của các phi công Nga, tên lửa điều khiển thông thường có tầm bắn tới mục tiêu trung bình là 4.500-5.000 m, trong khi đó, phạm vi phóng đến mục tiêu của tên lửa điểu khiển chống tăng đạt mức kỷ lục 7.000 m. Họ nhận định, tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka có thể hoạt động hiệu quả để vô hiệu hóa kẻ địch vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Sự tiến hóa của "Thợ săn đêm"

Theo báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, ngoài các trang thiết bị quân sự đã được thông qua, có ít nhất 68 mẫu máy bay đã trải qua thử nghiệm chiến đấu trong chiến dịch quân sự tại Syria.

Trong khuôn khổ bản hợp đồng được ký từ năm 2012, 15 chiếc trực thăng Mi-28NE ( phiên bản xuất khẩu của Mi-28N “Thợ săn đêm”) đã được chuyển giao Iraq. Sau khi đưa vào sử dụng, quân đội Iraq đã ca ngợi những “phẩm chất” chiến đấu của vũ khí Nga, bao gồm hệ thống điều khiển vũ khí, vận hành thuận tiện và lớp vỏ đáng tin cậy. Những phẩm chất tương tự đã được các phi công Nga nhắc đến nhiều lần khi lái chiếc Mi-28N ở Syria.

Sau khi nghiên cứu và phân tích hoạt động chiến đấu của Không quân tại Syria, các nhà sản xuất vũ khí Nga đã có những sửa đổi trong thành phần vũ khí trang bị cho trực thăng Mi- 28NE.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế Army-2018 mới diễn ra tại công viên Pariot, ngoại ô Moscow của Nga, Công ty Trực thăng Nga đã giới thiệu phiên bản xuất khẩu nâng cấp sâu của trực thăng Mi-28NE.

Mi-28NE phiên bản nâng cấp được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển tầm xa tiên tiến nhất 9M123M Khrizantema-VM với hệ thống dẫn đường hai kênh ( bằng tia laser và sóng radio) ở giá treo vũ khí.

Đồng thời, loại trực thăng mới này vẫn giữ nguyên khả năng sử dụng tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120-1 Ataka-VM. Ngoài ra, phiên bản nâng cấp sâu Mi-28NE còn được trang bị động cơ tuốc bin trục công suất lớn mới VK-2500-01, cánh quạt mới và thùng nhiên liệu chống cháy nổ. Mi-28NE còn có thể sử dụng bom hàng không nặng 500 kg.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Interfax, người đứng đầu Công ty Trực thăng Nga Andrei Boginsky đã tiết lộ một số thông tin về phiên bản trực thăng nâng cấp Mi-28NE. Ông tuyên bố: “Chúng tôi đã trang bị cánh quạt mới để nâng cao đặc tính kỹ thuật-bay của Mi-28 NE trong điều kiện khí hậu nóng và tầm bay cao.

Khả năng thực hiện các động tác nhào lộn phức tạp và tốc độ của trực thăng cũng đã được cải thiện. Một trong những sáng kiến thú vị nhất được ứng dụng trên phiên bản nâng cấp sâu Mi-28NE là thiết bị kết nối với máy bay không người lái (UAV). Giờ đây, phi công lái Mi-28NE có thể điều khiển UAV trực tiếp từ khoang trực thăng ”.

Theo chuyên gia quân sự tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Mikhail Barabanov, giải pháp trang bị thiết bị liên kết với UAV trên trực thăng Mi-28 NE sẽ mở rộng đáng kể khả năng chiến đấu của cỗ máy mới này.

Ông nhận định: “ Thiết bị kết nối với UAV không chỉ giúp trực thăng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chính xác hơn, mà còn cho phép tiêu diệt mục tiêu nhanh hơn nhiều”.

Gói mở rộng khả năng chiến đấu của trực thăng Mi-28NE sẽ làm hài lòng cả các khách hàng tiềm năng và đối tác tương lai của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự. Theo các chuyên gia, phiên bản xuất khẩu hiện đại hóa sâu Mi-28NE có công nghệ vượt trội hơn so với các đối thủ nước ngoài./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại