Trực thăng Mi-17 bị chính tên lửa của Ấn Độ bắn tan xác: Vết nhơ đáng xấu hổ!

Anh Tú |

Kết quả điều tra của Không quân Ấn Độ cho thấy, chiếc trực thăng Mi-17 V5 đã bị trúng hỏa lực từ hệ thống tên lửa phòng không SPYDER do Israel chế tạo.

Trong cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 2/2019, Không quân Ấn Độ (IAF) đã gặp phải một sự cố nghiêm trọng khi chính tên lửa đất đối không của nước này đã bắn rơi một chiếc trực thăng Mi-17 tại vùng Kargil thuộc địa phận Jammu và Kashmir.

Theo kênh truyền hình NDTV, sự cố bắn nhầm hi hữu trên xảy ra vào ngày 27/2 nhưng mới chỉ được IAF xác nhận hôm 4/10. Vụ việc đã khiến 7 người thiệt mạng trong đó có 6 binh sĩ Không quân Ấn Độ và một nhân viên dân sự.

"Chúng tôi đã mắc phải sai lầm khi để tên lửa phòng không bắn trúng máy bay trực thăng của chính mình. Chúng tôi thừa nhận đó là một sai lầm rất lớn và cam kết sẽ không để tái diễn các vụ việc tương tự trong tương lai", Tư lệnh Không quân Ấn Độ Kumar Singh Bhadauria cho biết.

Trước đó, IAF đã ra lệnh tiến hành điều tra chi tiết vụ việc và hiện đã hoàn tất.

Theo Hãng thông tấn - Phát thanh Sputnik, "thủ phạm" bắn rơi chiếc trực thăng Mi-17 của Không quân Ấn Độ là loại tên lửa có nguồn gốc từ Israel và sự việc xảy ra 1 ngày sau khi các máy bay chiến đấu của IAF tiến vào lãnh thổ Pakistan và ném bom một cơ sở huấn luyện khủng bố ở thị trấn Balakot.

Kết quả điều tra của IAF cho thấy, chiếc trực thăng Mi-17 V5 đã bị trúng hỏa lực từ hệ thống tên lửa phòng không SPYDER ở căn cứ không quân Srinagar. Các sĩ quan điều khiển tên lửa tại căn cứ này lầm tưởng chiếc Mi-17 là máy bay của đối phương nên đã khai hỏa bắn trả.

Cuộc đối đầu trên không giữa IAF và Không quân Pakistan (PAF) diễn ra vào ngày 27/02 khi IAF tiến hành không kích một căn cứ của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed ở Balakot, nằm trong lãnh thổ Pakistan ở bên kia đường ranh giới kiểm soát (LOC).

Theo chính phủ Ấn Độ, không quân của họ chỉ mất duy nhất một chiếc tiêm kích và họ cũng bắn hạ thành công 1 tiêm kích F-16 của Pakistan.

Ngược lại, Pakistan phủ nhận việc họ đã sử dụng các máy bay tiêm kích F-16 trong cuộc giao chiến với Ấn Độ. Vụ việc đã khiến căng thẳng gia tăng giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Quá trình trao đổi phi công Abhinandan qua biên giới quân sự Pakistan-Ấn Độ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại