Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm thứ Bảy tuần trước phát một video có tiêu đề “Khả năng của quân đội Trung Quốc được thể hiện trong 81 giây”, kỷ niệm Ngày Quân đội (1/8) của nước này.
Mở đầu video là các từ “Nhiệm vụ”, “Mục đích”, “Mục tiêu: Chiến thắng”, sau đó là các màn công phá mục tiêu một cách dữ dội hoặc thao diễn chính xác đến từng milimet của khí tài.
Trong video 'máu lửa' Trung Quốc tung ra trước chuyến thăm của bà Pelosi có siêu vũ khí gì?
Một cảnh trong video cho thấy tên lửa phóng từ bệ phóng trên đường cao tốc ở sa mạc (cảnh quay theo thời gian thực). Tên lửa này giống tên lửa siêu thanh Đông Phong (DF)-17 đã được trưng bày công khai tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10) năm 2019 ở Bắc Kinh.
Cảnh phóng tên lửa trực tiếp từ đường cao tốc ở sa mạc. Tên lửa này giống DF-17. Ảnh: CCTV.
Theo các nhà quan sát, nếu tên lửa trong video thực sự là DF-17, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đoạn phim về vụ phóng “sát thủ diệt tàu sân bay”.
Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự và bình luận viên truyền hình Trung Quốc, nói với Global Times hôm Chủ nhật rằng, việc có thể phóng trên đường cao tốc trong sa mạc chứng tỏ tên lửa loại mới không cần vị trí phóng định sẵn để phóng. Việc có thể được phóng độc lập tại bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ địa điểm nào khiến tên lửa có độ linh hoạt và tốc độ cao.
Do DF-17 vượt tốc độ Mach 5 (nhanh hơn tốc độ âm thanh hơn 5 lần, hoặc khoảng 1,6 km mỗi giây) với quỹ đạo không thể đoán trước, nên hầu như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa đương thời, theo ông Yang Chengjun, một chuyên gia tên lửa Trung Quốc.
DF-17 ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019. Ngoài các mục tiêu đứng yên, tên lửa này có thể cũng có thể tấn công các mục tiêu di chuyển chậm, như tàu sân bay, ông Song nói.
Hệ thống tên lửa siêu thanh DF-17 tham gia duyệt binh ở Bắc Kinh hồi tháng 10/2019. Ảnh: Global Times. |
Đối sách của Mỹ
DF-17 là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm trung nhiên liệu rắn của Trung Quốc, được chế tạo nhằm mang phương tiện lượn siêu vượt âm DF-ZF. DF-17 cùng với DF-ZF chính thức được công bố tại lễ duyệt binh ngày 1/10/2019, trở thành hệ thống vũ khí siêu thanh đầu tiên của Trung Quốc đi vào hoạt động và là một trong những hệ thống vũ khí siêu thanh đầu tiên trên thế giới có năng lực hoạt động ban đầu (đạt đến giai đoạn có thể triển khai khả dụng ở mức tối thiểu).
DF-17 sử dụng động cơ đẩy từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16B đã đi vào hoạt động. Như vậy, bản thân thiết kế của tên lửa này không yêu cầu bất kỳ thay đổi lớn nào. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất là việc nó sử dụng phương tiện lượn siêu vượt âm để làm đầu đạn sau khi tách rời khỏi động cơ đẩy thay vì đầu đạn thông thường được tìm thấy trong các tên lửa đạn đạo.
Hình vẽ hệ thống tên lửa siêu thanh DF-17. Nguồn: Wikipedia. |
Tháng 3/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất đẩy nhanh sự phát triển của các phương tiện bay siêu thanh có vũ trang (HGV) để bắt kịp với sự phát triển của Trung Quốc. Michael Griffin, cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ (phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật), từng trình bày với Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ rằng, Mỹ cần phát triển vũ khí siêu thanh “để cho phép chúng ta phù hợp với những gì đối thủ của chúng ta đang làm”, theo Arms Control Association.
Thông số tên lửa DF-17 | |
Khối lượng | ~15.000 kg |
Chiều dài | ~11 mét |
Đầu nổ | Vũ khí nhiệt hạch/Đầu đạn thông thường |
Động cơ | Tên lửa nhiều tầng Tên lửa đẩy nhiên liệu rắn |
Tầm hoạt động | ~1.800–2.500 km |
Hệ thống chỉ đạo | Phương tiện lượn siêu vượt âm |
Thái An (theo Global Times, CCTV, AP, Wikipedia)