1. Hai mươi ba năm trước, đúng bằng số áo của Công Phượng vừa khoác lên mình trong màu áo Incheon United - đội bóng cũ của Xuân Trường, ở lần xuất ngoại thứ hai, cầu thủ tài hoa nhất trong thời của mình - Trần Minh Chiến, gục ngã trên sân Thống Nhất trong trận giao hữu nội bộ chuẩn bị cho Tiger Cup 1996, đồng đội của anh chứng kiến một ông lão lẽo đẽo theo sau băng ca cáng anh ra sân, vừa đi, vừa lẩm nhẩm đọc kinh trong nước mắt.
Ông lão ấy là Trần Văn Cửu - cha của Trần Minh Chiến. Ông từng là một vận động viên và HLV kỳ cựu của đội tuyển bóng chuyền Sở Thương nghiệp TP.HCM.
Hơn ai hết, khoảnh khắc ấy, ông Cửu hiểu rằng cái duyên với bóng đá của cậu con trai thứ đã chấm hết. Trời phú cho cậu con trai này của ông đôi chân khéo léo, nhưng cũng sớm lấy đi đôi chân tài hoa ấy. Ngày ấy, tiền đạo tài hoa nhất Việt Nam thời ấy mới có 22 tuổi.
Tối ngày 13/2 vừa qua, trong lần hiếm hoi chia sẻ, ông Nguyễn Văn Dung - bố của tiền vệ tài hoa bậc nhất của bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây, nói về nỗi đau của cậu con trai, về chấn thương, và về một tương lai không còn được tung hoành trên sân cỏ của cậu.
Ông Dung nói: "Tết năm nay, tôi chứng kiến con tập thể lực ở nhà rất quyết tâm, nhìn rất xót. Con tập rất nhiều. 5 giờ sáng đã dậy chạy quanh sân ướt cả áo. Thật sự quá khủng khiếp. Tôi bảo nghiệp bóng đá vất vả quá, con xem xét thế nào".
Cha của Tuấn Anh là một bác sỹ, chắc hẳn ông khó có thể có được sự đồng cảm với nghề thể thao như ông Trần Văn Cửu - một cựu vận động viên và có đến 6 cậu con trai theo nghiệp bóng đá. Nhưng là một người cha, chắc hẳn ông có cái linh cảm đặc biệt mà ông Cửu đã từng phải rùng mình ở cái ngày 23 năm về trước.
Ông nói rằng: "Lần chấn thương vừa rồi tôi nghĩ là lần cuối cùng. Con rất nỗ lực và có ý chí để trở lại với bóng đá. Nó bảo lần cuối cùng để trở lại với bóng đá".
Ông nói: "Tôi biết con trai chơi bóng cũng lo giữ chân cho đồng nghiệp. Nhưng ông trời không thương nó. Tôi xót cho con vì chấn thương dù đam mê tột cùng. Số nó khổ..."
Trớ trêu thay, lần đầu tiên ông Dung lên tiếng xót xa cho cậu con trai, cũng là lần Tuấn Anh phải đặt lên vai mình cả gánh nặng mang tên HAGL. Mùa giải này, Tuấn Anh được đeo lên tay chiếc băng đội trưởng đội bóng phố Núi, và khi Công Phượng, Xuân Trường xuất ngoại, Văn Thanh vẫn chấn thương, thì niềm hi vọng của HAGL đặt cả lên vai anh.
2. Ông Dung bảo, Tuấn Anh nói với ông: "Con hứa với bố. Con sẽ cố gắng một lần này nữa thôi, nếu chấn thương lần nữa, con sẽ giải nghệ". Tuấn Anh còn bảo nếu không thể chơi bóng được nữa, cậu sẽ chuyển hướng sang học HLV.
Cũng đúng thôi, bởi đấy là thứ gần gũi với Tuấn Anh nhất, và giúp tiền vệ 24 tuổi này tiếp tục theo đuổi niềm đam mê bóng đá của mình. Nhưng con đường ấy có dễ dàng?
Không hề. Bởi để có được sự công nhận, được lần đầu tiên cầm quân ở V.League, Trần Minh Chiến đã mất đúng 20 năm, trải qua không ít những tháng ngày đắng cay, từng phải về nhà gói từng cái tré để mưu sinh cùng vợ. Con đường ấy, có lẽ còn trắc trở, bôn ba và nghiệt ngã hơn đá bóng nhiều.
Đau đớn, khi Tuấn Anh chưa bao giờ gặp phải chấn thương kiểu "triệt hạ" như Anh Khoa từng là nạn nhân của Quế Ngọc Hải. Chấn thương của Tuấn Anh thì nhiều vô kể, từ đau cơ thẳng bụng và chéo bụng, đau cơ đáy chậu, đau cơ khép lớn, đầu gân cơ lược, cơ vuông đùi, cho đến dây chằng và sụn chêm... và chấn thương buộc phải "động dao kéo" đầu tiên đến từ năm tiền vệ người Thái Bình mới chớm bước sang tuổi 17.
Không quá khó để nhận ra rằng những chấn thương ấy, ngoài hậu quả của va chạm trên sân cỏ, còn là hậu quả của việc Tuấn Anh bị vắt sức quá nhiều.
Mùa giải V.League 2015, Tuấn Anh phải căng mình "cày kéo" toàn bộ 26 trận của HAGL, trong đó có 25 trận ra quân ở đội hình xuất phát.
Trước SEA Games 2015, HLV Miura từng phải ngậm ngùi gạch tên Tuấn Anh khỏi danh sách triệu tập, nhằm tránh những ảnh hưởng đáng tiếc ảnh hưởng đến chặng đường phía trước của cầu thủ được ông đánh giá cao nhất trong lứa U19 HAGL này.
Song dưới thời HLV Hữu Thắng và trong đội hình HAGL, cứ mỗi lần chớm bình phục, là một lần Tuấn Anh lại phải căng mình thi đấu, và rồi...
Từ VCK châu Á 2016 đến SEA Games 29 năm 2017, Tuấn Anh luôn phải tập luyện, ra sân trong trạng thái chưa được sẵn sàng về mặt thể lực.
Từ chấn thương của Minh Chiến, đến chấn thương của Tuấn Anh là gần 20 năm cách biệt. Khoảng thời gian ấy đủ để y học thể thao có những bước tiến vượt bậc, mở ra cơ hội cho những chấn thương như của Tuấn Anh.
Nhưng mãi đến tháng Ba năm ngoái, Tuấn Anh mới lần đầu tiên được đưa sang Hàn Quốc phẫu thuật. Thời điểm ấy, tiền vệ này tổng cộng đã gánh trên người 12 loại chấn thương sau hơn 5 năm - kể từ lần phẫu thuật đầu tiên.
Ngày Trần Minh Chiến lần đầu tiên được ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng một CLB V.League vào đầu mùa giải năm ngoái, những người từng yêu mến anh suốt hơn 20 năm qua nói rằng trời xanh còn thương anh, rốt cuộc cũng chờ đợi được đến ngày tiền vệ tài hoa này trở lại với bóng đá đỉnh cao.
Mùa giải V.League năm nay sắp bắt đầu. Tuấn Anh sẽ lại thêm lần bước ra sân, với nỗi lo chấn thương nặng trĩu trên vai. Bóng đá là cuộc chơi của sự khắc nghiệt, với nguy cơ chấn thương luôn chực chờ trước mắt.
Nhìn những hình ảnh Tuấn Anh tập luyện trên sân chuẩn bị cho mùa giải mới, đọc những dòng tâm sự đầy suy tư, đau xót của bố cầu thủ này, liệu có ai mà không lo lắng vì một dự cảm xấu - "nhanh một thoáng, chậm một đời"?