1. Đấy đều là những thông tin cực kỳ đáng mừng với không chỉ những người yêu mến Công Phượng, Xuân Trường, người hâm mộ HAGL và cả bầu Đức, bởi cuối cùng những "đứa con" mà ông hết lòng chăm bẵm từ tấm bé rốt cuộc đã có thêm cơ hội "chắp cánh bay cao", còn Tuấn Anh mùa này đã "đủ lớn" để đeo lên tay mình chiếc băng đội trưởng HAGL.
Xuất ngoại lần này, cả Công Phượng, Xuân Trường lẫn người của HAGL đều khẳng định thất bại ở lần "bơi ra biển lớn" trước đây 3 năm của hai ngôi sao này đều là "tai nạn". Bầu Đức thì bảo rằng khi đó Incheon đang phải tập trung trụ hạng, nên Xuân Trường khó chen chân vào sân, còn với Công Phượng, lý do được đưa ra là chấn thương ngày ấy khiến tiền đạo này không được trọng dụng.
Có lẽ, thành công mà HLV Park Hang-seo - người không ít lần bầu Đức khẳng định rằng cho chính mình đưa về, kiến tạo nên cùng bóng đá Việt Nam suốt hơn 1 năm vừa qua khiến không ít người lạc quan thái quá về trình độ, năng lực của các tuyển thủ Việt Nam, để rồi tin rằng Buriram thực ra cũng chẳng hơn HAGL bao nhiêu, để rồi xây dựng lối chơi xung quanh Xuân Trường.
Khó có thể biết được BLV Quang Huy dựa vào đâu để "không lạ" nếu như Buriram United - "ông lớn" của bóng đá Thái Lan hơn chục năm qua, đội bóng đang nắm trong tay 2 chức vô địch quốc gia gần nhất, lại "xây dựng đội hình quanh Xuân Trường" như HAGL - CLB suốt 4 năm qua vẫn vật vã trụ hạng, và mùa bóng gần đây nhất không phải là ngoại lệ.
Trong khi đó trong tay HLV Park Hang-seo, ở đội tuyển Việt Nam, Xuân Trường chưa từng là lựa chọn ưu tiên của nhà cầm quân người Hàn Quốc, chứ đừng nói đến việc xây dựng lối chơi quanh tiền vệ trung tâm này. Về mặt chuyên môn, Xuân Trường đóng vai trò "chia bài" trong lối chơi của mình là một chuyện, còn xây dựng một đội bóng chơi xung quanh ai đó, là hai chuyện khác nhau rất xa về mặt đẳng cấp.
Ba năm về trước, cả Xuân Trường, Công Phượng lẫn Tuấn Anh đều xuất ngoại với rất nhiều sự xưng tụng như thế, để rồi trở về "không kèn không trống". Đừng quá đề cao, để rồi Trường, Phượng lại ảo tưởng quá mức về khả năng của mình, để rồi lại thêm lần thất bại đớn đau.
2. Ba năm về trước, cả Công Phượng, Xuân Trường lẫn Tuấn Anh đều xuất ngoại - đi Nhật, đi Hàn. Theo tiết lộ của giám đốc điều hành HAGL - Tấn Anh, mới đây thì ngày ấy, Mito Hollyhock đã phải trả khoản phí mượn Công Phượng lên đến 100.000 USD cho đội bóng phố Núi. Ngày ấy, Incheon United cũng trả cho HAGL một khoản phí không nhỏ để có được Xuân Trường theo bản hợp đồng cho mượn 2 năm.
Khoảng thời gian ấy, HAGL của bầu Đức đang rơi vào khó khăn. Tết năm ấy, lần đầu tiên đội bóng phố Núi nợ lương cầu thủ và cả nhân viên. Ngay cả chị họ của Công Phượng - Đặng Thị Hoa, cũng phải tính nước rời đi khi đã vài tháng đều phải vay mượn để sống.
Cuối tháng Ba năm 2016, trưởng đoàn bóng đá HAGL - ông Tấn Anh, đã phải lên tiếng thừa nhận: "Đúng là HAGL đang nợ lương, chúng tôi chỉ mới trả cho nhân viên một phần tháng Một. Suốt 14 năm qua, suốt 14 năm qua, HAGL chưa bao giờ gặp phải tình cảnh này. Các bạn biết đấy, trong làm ăn kinh doanh thì cũng có lúc này, lúc khác".
Gần 1 năm sau ngày ấy, HAGL nhận được gói tài trợ "khủng" từ một nhãn hàng sữa, với giá trị lên đến 50 tỷ trong vòng 2 năm. Đấy cũng là lúc bầu Đức đặt chỉ tiêu cao ở V.League cho đội bóng của mình. Nhưng suốt 2 mùa bóng qua, thành tích của HAGL đều không tương xứng với sự kỳ vọng mà ông chủ CLB phố Núi này đặt ra.
Hậu quả của điều đó là V.League 2019 đã cận kề ngày khai mạc, và sau khi thanh lý bản hợp đồng tài trợ "khủng" ngày nào, HAGL vẫn chưa thấy công bố nhà tài trợ mới.
Gần đây nhất, bầu Đức lên tiếng rằng việc ra đi của Công Phượng, Xuân Trường không ảnh hưởng nhiều đến HAGL, cũng như với những cầu thủ còn lại, HAGL vẫn đủ sức... trụ hạng ở V.League, thay vì lời khẳng định đội bóng này đủ sức lọt vào top 5 mùa bóng 2018, làm tiền đề để sẵn sàng vô địch mùa giải 2019.
Công Phượng, Xuân Trường lại xuất ngoại, ngoài tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam khi cầu thủ nội được các CLB nước ngoài quan tâm và chào đón, thì vẫn còn đó câu hỏi cũ của 3 năm về trước, xem liệu cầu thủ HAGL được cho mượn, thì yếu tố chuyên môn hay thương mại được đặt lên hàng đầu.
Rõ ràng, với ngân sách cho một mùa bóng V.League rơi vào khoảng 15 tỷ đồng như bầu Đức từng khẳng định, thì số tiền 150.000 USD mà Xuân Trường mang về cho HAGL từ đội bóng Thái Lan, cũng như số tiền Công Phượng mang về từ đội bóng Hàn Quốc là không hề nhỏ. Bên cạnh đấy, hai đội bóng nước ngoài cũng đảm nhận "gánh nặng" đãi ngộ, góp phần giữ chân hai ngôi sao này cho HAGL.
Thành công hay thất bại, phần lớn sẽ nằm ở nỗ lực của Xuân Trường, Công Phượng trong suốt một năm "đánh thuê" sắp tới. Nhưng trong "canh bạc" đặt vào hai ngôi sao này, rõ ràng HAGL đã "buông tay" với việc xây dựng một HAGL thành đội bóng hàng đầu V.League - điều kiện tiên quyết để thu hút được những nhà tài trợ hàng đầu.
Nếu như Công Phượng, Xuân Trường thành công, đấy sẽ là tín hiệu cực vui cho đội bóng phố Núi, khi họ lại có được hai ngôi sao của mình ở mùa giải năm sau. Nhược bằng không, HAGL sẽ phải đối mặt với khó khăn muôn trùng, về cả chuyên môn ở V.League, cũng như giá trị thương hiệu mà những cầu thủ ngôi sao của họ đem lại.
Bầu Đức đã dang rộng vòng tay với Công Phượng, Xuân Trường suốt hơn 10 năm qua. Giờ là lúc họ phải thành công để đền đáp những gì ông bầu này làm cho mình, cũng như vực dậy một HAGL đang bối rối giữa giấc mơ đẹp đẽ và thực tế phũ phàng.