Nhắc đến những vật dụng quan trọng, thiết yếu trong căn bếp của mọi gia đình, không thể không kể tới chiếc bếp nấu. Bên cạnh những loại bếp từ, bếp điện hay bếp hồng ngoại hiện đại hiện nay, bếp gas vẫn được đánh giá là loại bếp phổ biến và truyền thống hơn cả.
Bếp gas hoạt động chủ yếu dựa trên cơ chế truyền khí gas từ bình, qua các dây nối, lên tới mặt bếp. Vì vậy có thể thấy, bình gas chính là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với loại bếp này. Thông thường, các bình gas sẽ được quy định theo trọng lượng. Tuy nhiên người dùng chỉ quen gọi chúng dựa trên trọng lượng của ruột bình. Đó vẫn chưa phải trọng lượng chuẩn của toàn bộ bình gas.
Nắm được cách tính toàn bộ trọng lượng chuẩn của bình gas, người dùng có thể tiến hành kiểm tra khi mua, đổi bình mới và tránh tình trạng bị gian lận, dẫn tới "mất tiền oan".
Cách tính trọng lượng chuẩn của bình gas
Theo các đơn vị sản xuất và phân phối, trọng lượng tiêu chuẩn của bình gas không chỉ được tính dựa trên trọng lượng của gas bên trong bình mà còn bao gồm trọng lượng của vỏ bình. Cả 2 con số về trọng lượng này sẽ được ghi rõ trên bao bì của bình gas, mỗi con số sẽ được ghi theo một phương thức khác nhau.
Cụ thể, khối lượng vỏ thường sẽ được in màu trắng, to và rõ ràng trên vỏ bình. Còn khối lượng ruột sẽ được dập chìm trên cổ bình gas. Khi tiến hành mua bình gas, đặc biệt là khi mua từ một đơn vị cung cấp mới, người dùng có thể dựa trên những con số này để kiểm tra xem bình gas giao đến nhà mình đã đủ khối lượng tiêu chuẩn hay chưa.
Cách làm đó là cộng 2 con số khối lượng của vỏ bình và ruột bình với nhau, rồi dùng cân để cân thử. Ví dụ, trọng lượng vỏ bình in nổi là 12,6kg, trọng lượng ruột bình in dập chìm là 12kg. Vậy ta có trọng lượng tiêu chuẩn của bình gas này là 12,6kg vỏ bình + 12kg ruột bình = 24,6kg.
Trang thông tin của Petrolimex cũng cho biết, khi nhận bình gas mới, người dùng hãy nên kiểm tra xem bình có được niêm phong cẩn thận, kỹ càng bằng màng co nilon hay không. Nếu có, bình gas này đảm bảo đã được nạp đủ khối lượng gas bên trong, ít có khả năng bị chiết gas, gian lận.
Một số lưu ý khác khi lắp đặt bình gas
Không chỉ trọng lượng tiêu chuẩn của bình gas, người dùng cũng cần chú ý một số yếu tố khác khi lắp đặt bình gas mới. Đầu tiên đó là cần đơn vị lắp đặt đảm bảo đầy đủ mọi yếu tố an toàn cho bình gas nói riêng cũng như toàn bộ thiết bị nói chung. Có thể kể tới như dây dẫn nối bình và bếp phải được kết nối chắc chắn, không bị hở, gây rò rỉ gas từ đó dẫn đến lãng phí và mất an toàn.
Hay vị trí đặt bình gas cũng rất quan trọng. Bình gas không nên được đặt quá gần nguồn điện, nguồn nhiệt, cũng không nên đặt ở vị trí quá kín, khuất tầm nhìn. Các chuyên gia khuyên rằng, tốt nhất bình gas nên được đặt cách bếp gas hay các nguồn nhiệt khác lý tưởng từ 1-1,5m. Ngoài ra, vị trí này cũng cần thoáng khí, có khả năng thông gió và trong tầm nhìn của người sử dụng. Việc này giúp người dùng kịp thời phát hiện trong trường hợp bình gas xảy ra sự cố.
Thứ 2, sau khi đã lắp đặt xong bình gas, người dùng nên kiểm tra ngay về chất lượng gas. Cách kiểm tra đó là thử bật bếp và theo dõi quá trình hoạt động của vật dụng trong khoảng vài phút. Nếu bếp nhạy, cho ra lửa màu xanh, cháy đều, không có mùi khét khó chịu, chứng tỏ bình gas hoạt động tốt. Ngược lại nếu thấy lửa đốt trên bếp có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như cháy không đều, không nhạy, 2/3 ngọn lửa là màu đỏ, người dùng có thể yêu cầu đổi bình gas.
Trong quá trình sử dụng bình gas, bếp gas, có một số lưu ý sau người dùng nên ghi nhớ để đảm bảo tốt hơn vấn đề an toàn:
- Thường xuyên theo dõi tình trạng của bếp gas, bình gas, các đường dây dẫn, dây nối trong quá trình sử dụng.
- Cần có lịch kiểm tra định kỳ các bộ phận của bếp gas, khoảng 1-2 lần/năm.
- Trong quá trình sử dụng, để ý những dấu hiệu lạ như mùi lạ, tiếng độ lạ phát ra từ bếp gas, bình gas. Nếu có những dấu hiệu như mùi khét, tiếng xì bất thường hay khói bốc ra, cần dừng sử dụng ngay và gọi các đơn vị chuyên nghiệp tới hỗ trợ.
- Khi không có nhu cầu sử dụng bếp gas trong thời gian dài như vài tiếng, qua đêm hay vài ngày gia đình đi vắng, tốt hơn hết hãy khoá van bình gas. Việc làm này giúp hạn chế việc khí gas bị rò rỉ, gây lãng phí và đảm bảo an toàn cho chính ngôi nhà, phòng chống cháy nổ. Quy trình thực hiện được các đơn vị cung cấp gas chuyên nghiệp hướng dẫn đó là: Khoá van bình gas - Để khí gas cháy hết trên bếp rồi mới tắt bếp.
Tổng hợp